Vắcxin ComBE Five (5 trong 1) thay thế vắcxin Quinvaxem sẽ được triển khai đại trà trên toàn quốc từ cuối tháng 12/2018.
Thông tin này được giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai vắcxin ComBE Five trên toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/12.
Theo giáo sư Đặng Đức Anh, hiện Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có sẵn 550.000 liều vắcxin ComBE Five và lượng vắcxin này sẽ được chuyển đến các địa phương trong thời gian sớm nhất. Dự kiến cuối tháng 12/2018 vắcxin được chuyển đến từng khu vực và phân phối cho từng địa phương.
“Địa phương nào có lịch tiêm chủng vào cuối tháng thì cuối tháng 12 sẽ thực hiện tiêm chủng vắcxin mới luôn, địa phương nào có lịch tiêm chủng đầu tháng thì sẽ triển khai vào đầu tháng 1/2019," giáo sư Đặng Đức Anh cho hay.
Cũng theo giáo sư Đặng Đức Anh, trung bình mỗi tháng cả nước có nhu cầu sử dụng khoảng 450.000 liều vắcxin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, số lượng vắcxin sẵn có chỉ đáp ứng được một tháng sử dụng. Vì vậy trước mắt, các địa phương triển khai tiêm ngừa cho trẻ đến lịch tiêm chủng (trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi), với những trẻ đã trễ lịch tiêm chủng (trên 4 tháng tuổi) sẽ được tổ chức tiêm bù sau khi nguồn vắcxin được tiếp tục cung ứng đủ.
Tháng 1/2019, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiếp tục nhập thêm vắcxin ComBE Five để đáp ứng nhu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
[Hà Nội tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho trẻ dưới 5 tuổi]
Trước khi mở rộng triển khai trên toàn quốc, từ tháng 10/2018, Dự án tiêm chủng quốc gia đã triển khai tiêm ngừa vắcxin ComBE Five quy mô nhỏ tại 889 xã, phường tại bảy tỉnh gồm Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu với 17.356 trẻ được tiêm, đạt tỷ lệ tiêm chủng 75,6%. Trong đó, có 964 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đau vết tiêm, chiếm 5,5% - thấp hơn tỷ lệ phản ứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Đặc biệt cơ quan chức năng ghi nhận ba trẻ có phản ứng nặng sau tiêm gồm hai trẻ ở tỉnh Bình Định và một trẻ ở tỉnh Bắc Giang. Trong đó bé trai 3,5 tháng tuổi ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xuất hiện phản ứng sốt cao 39,5 độ C sau tiêm, co giật và được xử trí hạ sốt, thở oxy, sau đó chuyển viện lên Bệnh viện tỉnh Bình Định.
Tại đây trẻ có biểu hiện suy hô hấp, có cơn ngừng thở, được đặt nội khí quản, điều trị tích cực bằng kháng sinh và trẻ phục hồi sau một tuần nằm viện. Hội đồng chuyên môn tỉnh Bình Định đã kết luận trẻ có phản ứng sốt cao, co giật, suy hô hấp sau tiêm chủng.
Tương tự, hai trường hợp khác ở tỉnh Bình Định và Bắc Giang trẻ có biểu hiện tím tái sau tiêm và đã được xử trí tại chỗ, trẻ hồi phục ngay sau đó. Kết luận của hội đồng chuyên môn các địa phương cho thấy, đây là phản ứng phản vệ sau tiêm vắcxin.
“Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định vắcxin ComBE Five an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể yên tâm triển khai đại trà trên toàn quốc," giáo sư Đặng Đức Anh khẳng định. Mục tiêu mà Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đặt ra là trên 95% trẻ em được tiêm chủng đủ ba mũi vắcxin ComBE Five trong năm 2019./.