Sinh viên Nga thích thú với sự phong phú, sáng tạo của tiếng Việt

Tọa đàm dịch thuật 'Tiếng Việt trong sự giao lưu với tiếng Nga và văn hóa Nga' thu hút sự quan tâm đặc biệt của các sinh viên Nga, các bạn trẻ rất thú vị với sự phong phú, sáng tạo của tiếng Việt.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, nhân năm chéo hữu nghị Việt Nam-Nga, ngày 7/9, Đại học tổng hợp ngôn ngữ quốc gia Maurice Thorez (MGLU) đã phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ (Việt Nam) tổ chức cuộc giao lưu, tọa đàm “Tiếng Việt trong sự giao lưu với tiếng Nga và văn hóa Nga,” đề cập những yếu tố đặc biệt và các khó khăn khi dịch tác phẩm văn học từ tiếng Việt sang tiếng Nga và ngược lại.

Tham dự cuộc tọa đàm có bà Elena Zubtsova, phó tiến sỹ Triết học, phó giáo sư Khoa Dịch thuật Ngôn ngữ phương Đông của MGLU; ông Maxim Syunnerberg, phó tiến sỹ khoa học lịch sử, phó giáo sư của Viện các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU); Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ Dương Thành Truyền.

Các dịch giả đưa ra nhiều ví dụ về sự phong phú của tiếng Việt. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Các dịch giả Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Quốc Hùng cùng đông đảo sinh viên nghiên cứu tiếng Nga của các trường MGLU, MGU, Đại học Ngoại giao Quốc gia Moskva (MGIMO) và đại diện cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cũng tham dự tọa đàm.

Chủ tọa cuộc tọa đàm, phó tiến sỹ Elena Zubtsova, cho biết sự kiện này nhằm khuyến khích các sinh viên Nga học tiếng Việt dấn thân con đường dịch thuật vốn đang ít được quan tâm ở Nga.

[Hợp tác dịch và xuất bản sách ''Bác Hồ viết Di chúc'' tại Nga]

Đề cập đến sự phong phú, sáng tạo của tiếng Việt, ông Dương Thành Truyền đã có bài phát biểu, đưa ra những ví dụ thú vị về cách phương pháp nói ngược, nói xuôi, nói theo vần và tạo nhịp điệu trong tiếng Việt.

Bài phát biểu của ông được rất nhiều sinh viên Nga tán thưởng.

Trong khi đó, dịch giả kỳ cựu Maxim Syunnerberg đề cập đến những khó khăn và các vấn đề khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga.

Dịch giả Nguyễn Thụy Anh cũng đề cập đến những phương thức đào tạo mới để khơi dậy nguồn cảm hứng của sinh viên. Bà đề xuất lập ra mội hội giao lưu để có thể trao đổi hỗ trợ nhau từ xa trong vấn đề dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Nga và ngược lại.

Các sinh viên Nga tỏ ra rất thích thú. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Dịch giả Nguyễn Quốc Hùng đọc nhiều tác phẩm thơ Nga mà mình dịch sang tiếng Việt để các bạn trẻ Nga cảm nhận được những nét đẹp của cả tiếng Việt và tiếng Nga.

Các sinh viên Nga tham dự cuộc tọa đàm đều tỏ ra thích thú với sự kiện này.

Ông Dương Thành Truyền cho biết sự kiện này là một phần trong những nỗ lực của Nhà xuất bản Trẻ để đưa sách Việt đến với cộng đồng người nói tiếng Việt ở nước ngoài, cũng như nỗ lực giữ gìn bản sắc ngôn ngữ và văn hóa Việt cho tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục