Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2020 đến ngày 27/7, toàn tỉnh ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 8/8 huyện, thành phố. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến với 185 trường hợp, cao hơn 149 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019, tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc cao nhất tại huyện Yên Mô với 87 trường hợp, thành phố Ninh Bình 30 trường hợp.
Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của 3 năm trước đây ở hầu hết các huyện, thành phố.
Các trường hợp mắc tay chân miệng có xu hướng mắc nhiều vào tháng 6 và tháng 7, muộn hơn thời điểm đỉnh dịch các năm thường vào tháng 3 đến tháng 5.
Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm và đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội trong tháng 4 vì vậy đặc điểm dịch cũng có sự thay đổi.
100% các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng đầu gối, mông, loét miệng, quấy khóc, chán ăn. Một số trẻ có biểu hiện giật mình nhẹ khi ngủ.
Số trường hợp mắc ở phân độ 1 là 85 trường hợp (chiếm 45,7%); ở phân độ 2a là 100 trường hợp (chiếm 54,3%) và không có trường hợp mắc ở phân độ 2b trở lên.
[Cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng]
Trước tình hình trên, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh tay chân miệng, kịp thời có phương pháp xử lý, phòng chống lây lan ra cộng đồng.
Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như sản xuất, phân bổ 9.000 tờ rơi và 500 áp phích về phòng chống bệnh tay chân miệng; trong quá trình điều tra, giám sát đồng thời tiến hành truyền thông nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và cơ sở điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trong việc điều tra giám sát, tổ chức cách ly điều trị, hạn chế tối đa hiện tượng lây chéo trong bệnh viện; rà soát, bổ sung số lượng thuốc, vật tư, hóa chất cho các cơ sở y tế nhằm chủ động phòng chống khi có dịch xảy ra.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mầm non.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao. Hàng ngày, bệnh viện đón khoảng từ 10 đến 20 bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng. Tại phòng khám, mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám nghi ngờ có các triệu chứng tay chân miệng.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà khuyến cáo, trong những giai đoạn có dịch bệnh tay chân miệng tốt nhất nên hạn chế đưa trẻ đến khu tập trung đông người. Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt cho trẻ, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng. Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.