Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm.
Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 6. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 19, sáng 9/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Chín tháng qua, các lực lượng của Bộ Giao thông Vận tải và 63 Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản hơn 104.000 vụ vi phạm; xử phạt trên 92.000 vụ; tạm giữ 875 xe ôtô; đình chỉ hoạt động 570 bến và 317 phương tiện thủy nội địa.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra hơn 3 triệu trường hợp vi phạm; tạm giữ 29.560 xe ôtô và 377.420 mô tô; tước 260.884 giấy phép lái xe. Bộ Quốc phòng chấn chỉnh, xử lý 308 lượt vi phạm các quy định của Quân đội về điều khiển phương tiện quân sự khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, tính từ ngày 1/1-15/9/2015, các trạm kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả nước đã tiến hành dừng kiểm tra 345.986 xe, trong đó có 33.773 xe vi phạm; xử lý tước hơn 11.000 Giấy phép lái xe.

Cũng thời gian trên, toàn quốc xảy ra 16.459 vụ tai nạn giao thông, làm 6.518 người chết và 14.929 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2014, giảm 2.239 vụ, giảm 240 người chết và giảm 2.906 người bị thương. 41 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết.

Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 20% là: An Giang, Gia Lai, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Kạn.

Thảo luận về kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2015, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng: Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp; phối hợp tuyên truyền chấp hành pháp luật về giao thông...

Tuy nhiên, nội dung Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh toàn diện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các lĩnh vực; chủ yếu mới phán ánh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ mà chưa đi sâu làm rõ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, đường thủy. Đặc biệt, vẫn còn nhiều tỉnh tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2014.

Các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Báo cáo cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để có giải pháp chỉ đạo nhằm thực hiện được mục tiêu Quốc hội đã đề ra trong năm 2015 là: “Phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.”

Về nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý 4 năm 2015 và năm 2016, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với những giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới, các thành viên và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức, cá nhân để xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kết hợp xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa với mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không; kiểm tra lại chất lượng các tuyến đường giao thông hiện nay, nhất là đường bộ, đường sắt.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục