Trung bình mỗi ngày tỉnh Bình Dương vẫn có trên 500 ca mắc COVID-19. Sở Y tế Bình Dương cho biết, riêng ngày 8/12, ghi nhận 455 ca mắc mới, thu dung được 4.731 bệnh nhân. Hiện, các cơ sở điều trị 278 bệnh nhân, toàn tỉnh có 47.371 F0 đang điều trị tại nhà.
Trong ngày 8/12, có 4.391 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện (trong đó 355 bệnh nhân điều trị tại cơ sở và 4.036 bệnh nhân tại nhà).
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, thời gian tới dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Sở Y tế hiện đã có 162 trạm y tế lưu động ở các khu công nghiệp và khu vực đông dân cư có nguy cơ dịch, tăng 19 trạm y tế lưu động so với tháng 10/2021.
Ông Chương cho biết, trong quá trình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nhiều vấn đề đòi hỏi phải xử trí như phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, xử trí cấp cứu kịp thời và chuyển viện đúng tầng. Đồng thời, F0 cũng cần được chăm sóc sức khỏe, trấn an, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng về diễn biến của bệnh.
Để hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị, thành phố khẩn trương xây dựng, thành lập Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 cộng đồng.
Để thu hút đủ nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, Sở Y tế cũng đề xuất có chế độ đãi ngộ với mức lương đủ hấp dẫn. Tỉnh cũng ban hành quy chế hoạt động của các trạm y tế lưu động ở khu công nghiệp để phối hợp với các đơn vị hỗ trợ tốt hơn việc phòng dịch cho doanh nghiệp.
[Cả nước có 14.599 ca mắc mới COVID-19, số người khỏi bệnh tăng vọt]
Về việc phát thuốc cho người bệnh, Sở Y tế Bình Dương cho biết, đã có công văn đốc thúc các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố về việc đảm bảo cung ứng, quản lý, sử dụng túi thuốc tại nhà.
Ngoài ra, các Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 cộng đồng dành cho những địa phương có triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ hoạt động cho trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, do UBND cấp xã thành lập, chịu sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn y tế của trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động trên địa bàn.
Tổ có chức năng quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân; tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng và các nhiệm vụ khác được giao.
Mỗi tổ dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10-20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ tổ theo quy định.
Những người tham gia tổ được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trừ F0 đã khỏi bệnh. Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để bảo đảm kết nối với F0. Sau khi tiếp nhận thông tin từ các F0 trong cộng đồng, các thành viên trong tổ thiết lập sẵn hồ sơ bệnh án về các F0.
Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền, thành viên của tổ sẽ thăm hỏi liên tục, nắm bắt kịp thời tình trạng chuyển nặng của F0.
Ngoài ra, các tổ tại địa phương còn được trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SPO2, bình oxy, túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân... Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho tổ hoạt động ngày càng hiệu quả.
Theo thống kê của ngành y tế Bình Dương, tính từ đợt dịch ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 285.589 ca mắc COVID-19, trong đó 296.954 bệnh nhân khỏi bệnh và 2.854 ca tử vong./.