Ngày 12/5, tại buổi gặp mặt báo chí, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm khẳng định sau 4 tháng triển khai thực hiện, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống; đồng thời đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai thi hành Luật.
Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật kịp thời, đồng bộ và có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật tại 20 tỉnh, thành phố. Trong 4 tháng đầu năm, 7 đoàn liên ngành đã kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố (gồm: Phú Yên, thành phố Hà Nội, Quảng Nam, Thái Nguyên, Bến Tre, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Hải Phòng và Hòa Bình).
Kết quả cho thấy có 8/10 tỉnh thành phố đã bố trí ngân sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; 7/10 tỉnh đã đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố; 9/10 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế ...
Riêng về thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, thời gian đầu do thiếu thông tin về quy định tham gia nên người dân còn phàn nàn về những khó khăn như quy định về thủ tục hành chính như kê khai tạm trú, tạm vắng, photo các giấy tờ liên quan...
Để giải quyết vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn hướng dẫn tiễp tục được mua bảo hiểm y tế theo cá nhân trong năm 2015 và từ 1/1/2016 sẽ thực hiện tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Thời gian tới, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bộ Y tế cho biết Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ và người lao động; giải thích và phổ biến các quy đinh này tới người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời triển khai nhiều biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh...
Năm 2014, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 71,6%; có 33 địa phương đã quan tâm, hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam" huy động ủng hộ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo./.