Sửa đổi nhiều văn bản pháp luật để giải quyết tình trạng thiếu thuốc

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết Chính phủ và Quốc hội sẽ bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật để giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư tại một số bệnh viện, cơ sở y tế.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Y tế đang tích cực cùng các bộ ngành liên quan báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để tạo “hành lang” thông thoáng, giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư tại một số bệnh viện, cơ sở y tế thời gian gần đây.

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/3.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho rằng sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị y tế, thuốc… có dấu hiệu khan hiếm; giá cả biến động tăng cao; nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau dịch cũng tăng; trong khi đó, một số hợp đồng cung ứng hóa chất và vật tư chỉ có thời hạn một năm, tình trạng gia hạn giấy phép cũng bị quá tải, nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu hoặc phải tiến hành đấu thầu nhiều lần mới tìm được nhà cung ứng.

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, thời gian qua Bộ Y tế đã cùng các bộ ngành liên quan tích cực tham mưu cho Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội ban Nghị quyết 80 ngày 9/1/2023 cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn đến ngày 31/12/2024. Theo đó, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 đã được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn.

“Cho đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép lưu hành thuốc. Việc tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước,” Thứ trưởng Lê Đức Luận nêu rõ.

Mới đây nhất, ngày 2/3, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị và kéo dài hiệu lực Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

[Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc trong tháng Ba]

“Quá trình đấu thầu trang thiết bị y tế có tính chất đặc thù, cần có các văn bản pháp luật để giải quyết vướng mắc. Chẳng hạn, Bộ Y tế đã kiến nghị sửa yêu cầu phải có ít nhất ‘3 báo giá’. Trong trường hợp có những thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp, các bệnh viện có thể đấu thầu với 1 báo giá thay vì 3 như quy định hiện tại,” Thứ trưởng cho biết.

Về giá của các trang thiết bị, Thứ trưởng Lê Đức Luận cho rằng có những thiết bị cùng cấu hình, tính năng, nhưng nguồn gốc, xuất xứ khác nhau sẽ có giá khác nhau. Theo quy định là lấy giá thấp nhất thì có thể không đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ cho phép cơ sở y tế lập hội đồng thẩm định, xem xét mua thiết bị thích hợp với nhu cầu sử dụng, không nhất thiết phải chọn thiết bị có mức giá thấp nhất.

Sửa đổi nhiều văn bản pháp luật để giải quyết tình trạng thiếu thuốc ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu tại họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng “chảy máu chất xám” ngành y, Thứ trưởng Lê Đức Luận cho rằng Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, qua đó cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành các văn bản, nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có một chương về tài chính trong các bệnh viện, góp phần giải quyết bài toán nhân lực y tế.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 về nâng phụ cấp của y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% và 70% lên 100%. Bộ Y tế cũng đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu đồng thời tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết.

“Bộ Y tế đã đề nghị áp dụng phụ cấp cho cán bộ y tế tại vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang soạn thảo thông tư về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập,” Thứ trưởng cho biết.

Với những nỗ lực nói trên, Thứ trưởng Lê Đức Luận khẳng định Bộ Y tế sẽ nâng cao chất lượng nhân lực của ngành, kiện toàn các đơn vị khám chữa bệnh, tăng hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân và cải thiện đời sống những người làm trong ngành y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục