Tai nạn giao thông tăng cao trong ngày 30, mùng Một Tết do rượu, bia

Đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, sau ba ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra hơn 100 vụ tai nạn, làm chết 87 người và 84 người bị thương.
Tai nạn giao thông tăng cao trong ngày 30, mùng Một Tết do rượu, bia ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, báo cáo về tình hình an toàn giao thông của Văn phòng Bộ Công an cho thấy, trong ngày 16/2, ngày đầu tiên của Xuân Mậu Tuất, toàn quốc xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông; trong đó có 35 vụ tai nạn, 11 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm 34 người chết, 35 người bị thương.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ các địa phương đã tổ chức 4.287 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; phát hiện, xử lý 3.078 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 934 triệu đồng, tạm giữ 546 phương tiện vi phạm, 384 giấy tờ các loại, tước 88 giấy phép lái xe.

Cảnh sát giao thông các địa phương cũng tổ chức 34 lượt tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường thủy; phát hiện, xử lý 16 trường hợp vi phạm.

Đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, sau ba ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra hơn 100 vụ, làm chết 87 người, 84 người bị thương.

Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao trong ngày 30 và mùng Một Tết, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy.

[Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác trực Tết đêm Giao thừa]

Trong ngày 16/2, tình hình giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thông thoáng, thuận lợi cho người dân di chuyển trong nội đô và đổ về các địa phương.

Hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.

Đêm giao thừa (ngày 15/2), tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Quảng Trị… tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc đón giao thừa, người dân tập trung đông ở các điểm bắn pháo hoa. Các địa phương đã triển khai nhiều phương án nên tình hình giao thông được bảo đảm trật tự, an toàn.

Tại Hà Nội, hàng vạn người dân đã đổ về hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát Lớn để đón giao thừa.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Lực lượng Công an hai địa phương đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1882/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe đạp điện; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị…

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục