Tâm sự của bác sỹ: Khi sự thấu hiểu bệnh nhân không chỉ là ngôn từ

Bác sỹ Tuấn Anh kể: “Vào đó chúng tôi cảm nhận những cảm xúc của con người ta không phải bằng ngôn từ, bệnh nhân vẫy tay mình hoặc có thể đoán được qua ánh mắt ấy các thông điệp...
Các y bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các y bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh vất vả của đội ngũ y tế đang phải ngày đêm gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua.

Đã có những mất mát, nỗi đau và dự cạn kiệt về thể xác..., nhưng ở họ vẫn toát lên những phẩm chất, những nghĩa cử cao đẹp xứng danh "Người thầy thuốc"!

Sự thấu hiểu từ ánh mắt, cái vẫy tay

Trong cuộc chiến chống COVID-19, hàng trăm nghìn “chiến sỹ áo trắng” đã dấn thân, đối mặt nguy hiểm. Là một bác sỹ đã đi qua 2 trận chiến gần đây nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay là trong đợt dịch đang diễn ra tại Hà Nội, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ những cảm xúc khó có thể kể hết được bằng lời. Đó là sự nhiệt huyết khi vào miền Nam chi viện, nhưng ở đó cũng đầy sự đau thương, tiếc nuối khi không ít bệnh nhân mắc COVID-19 ra đi.

Bác sỹ Tuấn Anh cho hay Bệnh viện Dã chiến số 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách là bệnh viện tuyến cao nhất, với 500 giường bệnh. Nhiều y bác sỹ đã vận dụng hết những kiến thức của mình nhưng vẫn bất lực và cảm thấy tiếc nuối, xót xa khi nhiều người đã ra đi mãi mãi.

[TP Hồ Chí Minh: Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự đóng góp của lực lượng y tế]

Nhớ lại những ngày tháng khốc liệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Tuấn Anh kể: “Vào đó chúng tôi cảm nhận những cảm xúc của con người ta không phải bằng ngôn từ, bởi những bệnh nhân trong tình trạng nặng phải gắn miệng mũi thiết bị trợ thở, nhất là những bệnh nhân thở máy họ không thể nói nổi. Khi đó, họ nhìn thấy y bác sỹ vào các phòng điều trị thì chỉ có thể giao tiếp bằng ánh mắt, ký hiệu bằng tay. Bệnh nhân vẫy tay mình có thể nhìn được qua ánh mắt ấy là sự khao khát, chờ đợi với nhân viên y tế.

Tâm sự của bác sỹ: Khi sự thấu hiểu bệnh nhân không chỉ là ngôn từ ảnh 1Bác sỹ Đỗ Tuấn Anh – Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi làm một thời gian, tôi chỉ cần nhìn thấy ánh mắt, vẫy tay hay ký hiệu là có thể biết họ muốn uống nước, lấy hộp sữa hay những việc khác có thể giúp họ như nghe điện thoại của người thân.”

51 ngày đi chi viện tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh với bác sỹ Tuấn Anh là từng đó thời gian ngày đêm vật lộn tại khu Hồi sức tích cực; gần 50 ngày đêm trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí stress, mất ngủ trong những ngày đầu đặt chân đến đây…

Khi dịch COVID-19 tại Hà Nội có dấu hiệu tăng trở lại, từ tháng 12/2021, bác sỹ Tuấn Anh được bệnh viện tiếp tục phân công về hỗ trợ công tác chuyên môn y tế tại phường Cát Linh. Đến nay, đã có hàng nghìn F0 được anh hỗ trợ, tư vấn điều trị.

Tâm sự của bác sỹ: Khi sự thấu hiểu bệnh nhân không chỉ là ngôn từ ảnh 2Bác sỹ Tuấn Anh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 16. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Hai tháng về hỗ trợ tại tuyến y tế cơ sở, đến nay tôi đã biết được rất nhiều từ F0 rồi đến bạn F0, rồi họ hàng của F0… rất rất nhiều người nhờ tư vấn online. Hôm nào trực ở viện thì việc trả lời và hỗ trợ bệnh nhân phải dồn lại, còn một ngày ngoại trừ 30 phút ăn trưa là tôi cứ ôm máy tính để tư vấn hỗ trợ cho các F0. Mỗi ngày khoảng 100 bệnh nhân,” bác sỹ Tuấn Anh chia sẻ.

Tư vấn F0 thời online

Hiện nay, Hà Nội mỗi ngày ghi nhận thêm 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19 mới nên nhu cầu tìm hiểu thông tin về cách thức điều trị là vô cùng lớn. Từ thực tiễn đó, Nhóm bác sỹ Quân y hỗ trợ Online đã được thành lập và trở thành một địa chỉ được rất nhiều F0 vào để nhận được tư vấn điều trị tại nhà, với hơn 237.000 thành viên.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, bác sỹ uy tín của các bệnh viện tư vấn online cho các bệnh nhân là một mô hình hiệu quả và rất thiết thực về các vấn đề như: Đơn thuốc cần thiết dành cho F0, hướng dẫn điều trị con bị F0 cụ thể cho từng bé, phục hồi sau COVID-19…

Tâm sự của bác sỹ: Khi sự thấu hiểu bệnh nhân không chỉ là ngôn từ ảnh 3Thiếu tá, bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thiếu tá, bác sỹ Hoàng Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo (Viện Bỏng quốc gia) là người khởi xướng thành lập nhóm bác sỹ quân y hỗ trợ tư vấn điều trị F0 điều trị tại nhà, cùng với sự tham gia của hơn 30 y bác sỹ khác. Mỗi ngày, các bác sỹ trong nhóm tiếp nhận từ 30-50 cuộc điện thoại để hỗ trợ cho các bệnh nhân.

Bác sỹ Tuấn cho hay khi Hà Nội bùng dịch trở lại, nhiều F0 rất thiếu thông tin, do vậy ý tưởng thành lập nhóm là để hỗ trợ cho nhiều người hơn. Chỉ sau một thời gian thành lập, nhóm bác sỹ quân y đã hỗ trợ điều trị cho hàng chục nghìn F0.

Để đảm bảo thông tin được cập nhật và chăm sóc bệnh nhân nhanh nhât, nhóm chia mỗi bác sỹ phụ trách một chuyên ngành khác nhau, chia người để làm sao hỗ trợ F0 một cách tốt nhất. "Nhóm cũng phân chia bác sỹ duyệt bài và phản hồi ngay trên group, với trường hợp cần phải kê đơn thuốc phức tạp chúng tôi gọi lại cho bệnh nhân để trao đổi trực tiếp," bác sỹ Tuấn nói.

Những chiến sỹ áo trắng quả cảm trên "mặt trận" COVID-19

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sỹ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch. Sự suy giảm sức khỏe thể chất, lo lắng, trầm cảm… là không thể đong đếm được.

Trong đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.

Đặc biệt, hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe. Đến nay, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh, thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên gửi lời chúc sức khỏe và cảm ơn tới toàn bộ, nhân viên, người lao động của ngành y tế và những người thân trong thời gian vừa qua đã không quản khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn tích cực làm tốt công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó đặc biệt đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Chúng ta đã khoác trên mình tấm áo blouse trắng, chúng ta sẵn sàng đi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến chúng ta trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác phòng, chống dịch," Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Tâm sự của bác sỹ: Khi sự thấu hiểu bệnh nhân không chỉ là ngôn từ ảnh 4Ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Hiện nay, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua của các y bác sỹ giành lấy sự sống cho bệnh nhân, với rất nhiều câu chuyện cảm động đã được viết lại. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau. Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân.

Hình ảnh những "chiến sỹ áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa Hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất "thầy thuốc như mẹ hiền" của đội ngũ cán bộ y tế như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.

Ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Nhiều y, bác sỹ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp "mặt trận" dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành.

Vì vậy, một lời cảm ơn với họ thực sự là chưa đủ lúc này. Hơn bao giờ hết, họ cần sự hỗ trợ thiết thực đến từ sự chung sức đồng lòng, sự sẻ chia và ý thức tự giác, chủ động trong phòng chống dịch của mỗi người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục