Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách

Đến 31/8, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội là 220.545 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng.
Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội (Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tương đương với 220.545 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8% trong 5 năm qua. Nợ quá hạn giảm từ 0,38% năm 2014, đến 31/8/2020 còn 0,25%...

Những con số này đã nói lên hiệu ứng của phương thức truyền tải tín dụng chính sách xã hội đặc thù và riêng có ở Việt Nam.

Mắt xích dẫn vốn tối ưu

Nằm giữa trảng cát cháy bỏng ở thôn Hà Lợi Trung - vùng ven biển Trung Giang của huyện Gio Linh (Quảng Trị), trại nuôi gà của anh Trần Tấn Phát lại tràn đầy sinh khí. Đó không chỉ là những âm thanh rộn ràng từ trang trại mà hơn thế là cảm nhận được sự no đủ đã và đang ùa về cùng sự cần mẫn của vợ chồng anh 5 năm qua.

Tốt nghiệp cử nhân luật năm 2008, bôn ba ở Huế rồi trở về quê nhà lập nghiệp, từ tiếp thị sản phẩm đến mở phòng kinh doanh tranh ảnh, song mọi công việc đều không cho anh sự hứng thú lâu dài cùng thu nhập bấp bênh.

Năm 2013, anh Phát quyết định tìm cho mình một bến đậu mới với việc chăn nuôi gà. Bán hết cả 3 cây vàng tích cóp của hai vợ chồng không đủ phân nửa nguồn vốn đầu tư, chính vì vậy khi được Đoàn Thanh niên và Ngân hàng Chính sách xã hội tư vấn vay vốn chính sách phát triển sản xuất đã mở ra nút thắt khó khăn nhất khi đó.

Cùng lúc, anh tìm đến câu lạc bộ phát triển kinh tế trong thanh niên ở địa phương trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Vay thêm người thân cùng vốn ngân hàng, trang trại gà của anh Phát dần hoàn thiện trên quy mô 1 ha đất, anh đầu tư hệ thống đệm lót sinh học hết 250 triệu đồng, gồm máng ăn, các thiết bị đèn, hệ thống nước uống tự động và gas sưởi ấm cho đàn gà vào mùa đông. Nhờ hệ thống này mà giờ đỡ tốn công trong việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại nuôi gà, giúp gà có sức chống chịu cao và không lãng phí nguồn thức ăn. Giờ đây, sau 5 năm, thành quả mà anh thu được đó là thu nhập từ trang trại gà mỗi năm ước khoảng 250 triệu đồng lãi ròng.

Trải nghiệm càng làm anh ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

“Đặc biệt đối với đa số thanh niên nông thôn như chúng tôi, là những người có xuất phát điểm thấp thì nguồn vốn chính sách đã trao cho chúng tôi những cơ hội đổi đời,” anh Phát tâm sự.

Những mô hình thanh niên tiêu biểu như anh Phát cùng với những sáng tạo của Đoàn Thanh niên đã thay đổi nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, tạo động lực, quyết tâm vươn lên của thanh niên, trăn trở tìm tòi phương thức sản xuất hiệu quả.

Hay như với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Việc quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn và hỗ trợ các hộ vay vốn có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy sản xuất nâng cao hiệu quả vay vốn đã đưa kết quả ủy thác cho vay vốn chính sách của hội với 6 chữ nhất: Có số dư nợ cao nhất, nợ quá hạn thấp nhất, số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất, số thành viên nhiều nhất, số Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt nhiều nhất và thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất.

Báo cáo cho thấy, các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức trên 40.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, quy trình giải ngân, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác... cho cán bộ hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hội tụ sức mạnh triển khai toàn hệ thống chính trị

Những việc làm hữu ích đã tạo lên bức tranh đầy màu sắc về một phương thức truyền tải tín dụng chính sách tín dụng đặc thù riêng có ở Việt Nam ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt từ khi 4 tổ chức cùng Ngân hàng Chính sách xã hội ký kết lại văn bản thỏa thuận số 3948 ngày 03/12/2014.

Đến 31/8, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,8%, Hội Nông dân chiếm 30,6%, Hội Cựu Chiến binh chiếm 16,7%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 13,9%.

Đặc biệt, với việc Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục xây dựng, củng cố và sắp xếp lại mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2014 góp phần tiết kiệm được chi phí quản lý cho ngân sách Nhà nước, nâng cao tính ưu việt riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, số Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giảm hơn 24.000 tổ so với 31/12/2014 còn 173.712 tổ với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ; bình quân dư nợ 1,3 tỷ đồng/tổ và 37 tổ viên/tổ; bình quân một khách hàng có dư nợ 34 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với 31/12/2014. Theo kết quả chấm điểm phân loại Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 31/8/2020, số tổ tốt chiếm 83,7%, tổ khá chiếm 11,7%.

Chất lượng hoạt động của 4 tổ chức chính trị-xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Tỷ lệ thu lãi tăng dần từ 88,3% những ngày đầu thực hiện lên đạt 98% năm 2014, từ năm 2015 đến nay thường xuyên đạt gần 99%.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị-xã hội đã quan tâm và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt công tác vận động tổ viên thực hành tiết kiệm mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31/8/2020, có trên 99,9% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi tổ viên với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia, số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng, tăng 7.790 tỷ đồng so với 31/12/2014.

Kết quả đạt được từ hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định là một kênh dẫn vốn hiệu quả, phù hợp với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và sự phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, 4 tổ chức chính trị-xã hội cấp xã tham gia hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt từ 95% trở lên. Dư nợ ủy thác tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ ủy thác. Tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 97%.

Để làm được điều này, Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức chính trị-xã hội sẽ nghiên cứu, rà soát và tổ chức ký kết lại văn bản thỏa thuận về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với giai đoạn mới. Trong đó, đảm bảo việc thực hiện của các tổ chức chính trị-xã hội trong thời kỳ mới gắn với hoạt động của chính quyền, nhất là ở cấp thôn.

Cụ thể, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác phối hợp với trưởng thôn thực hiện công tác kiểm tra 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân đồng thời nghiên cứu điều chỉnh mức phí ủy thác trả cho các tổ chức chính trị-xã hội phù hợp với quy định về mức phí được Chính phủ giao…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục