Tăng cường phối hợp gỡ vướng cho các dự án hạ tầng giao thông

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Giao thông Vận tải với các bộ, ngành khác và với các địa phương.
Tăng cường phối hợp gỡ vướng cho các dự án hạ tầng giao thông ảnh 1Lắp đặt dầm cầu đầu tiên của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1-Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải ngày 10/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Giao thông Vận tải với các bộ, ngành khác và với các địa phương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy nền kinh tế, nhất là với khu vực miền núi còn khó khăn.

Phó Thủ tướng cho rằng, các dự án BOT, BT phát triển cũng là một thành công khi thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, bởi xây dựng hạ tầng giao thông là mảng khó, nguồn thu về chậm và còn bị tác động trực tiếp bởi môi trường. Tuy vậy, ngành giao thông đã làm tốt trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, phải tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, nhà thầu.

Dẫn chứng về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu lại trường hợp dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi bị chậm tiến độ đã Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc và cùng các bộ, ngành ngồi lại giải quyết vấn đề, ban hành các văn bản để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Cho ý kiến chỉ đạo về một số dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bổ sung dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia. Bộ Giao thông Vận tải cần lưu ý thực hiện phải chính xác ngay từ ban đầu, từ báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi, bởi đây là dự án có quy mô, kinh phí lớn và sử dụng hình thức đối tác công-tư (PPP).

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện toàn ngành có 35 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 724.939 tỷ đồng. Đường bộ có 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 477.712 tỷ đồng, chiều dài khoảng trên 5.300km, trong đó có 8 dự án đã đưa vào khai thác. Đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 186.298 tỷ đồng, chiều dài 344 km. Hàng hải, đường thủy nội địa có 4 dự án với tổng kinh phí khoảng 43.503 tỷ đồng. Hàng không có 2 dự án là Cảng hàng không Phú Quốc và dự án Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài với tổng kinh phí khoảng 17.427 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết các dự án trọng điểm nêu trên đang được Bộ chỉ đạo quyết liệt để kịp tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, tại một số dự án, công tác giải phóng mặt bằng còn đang chậm trễ, thời gian giải quyết vướng mắc còn kéo dài hay gặp khó khăn về vốn đối ứng như dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2, dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục