Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn số 2853/BHXH-TTKT gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện pháp luật và phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều nội dung vướng mắc đã được đơn vị này giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Gần đây, cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng có liên quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ở một số địa phương.
Để góp phần giải quyết tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc phòng, chống, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
[BHXH Việt Nam và Bộ Công an kiểm tra doanh nghiệp tại TP.HCM]
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội đẩy mạnh rà soát, chia sẻ dữ liệu nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định và thu hồi số tiền hưởng về quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị tăng cường chỉ đạo trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm do gian lận bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nắm bắt tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để có cảnh báo kịp thời.
Các địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong việc thu đóng, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia./.