Trang mạng gendai.ismedia.jp đưa tin, việc tăng lương tối thiểu tại Nhật Bản ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực cho nền kinh tế vẫn là đề tài tranh cãi của giới chính trị và doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng như trên thế giới.
Tại Nhật Bản, cuộc tranh luận tiếp tục quay trở lại khi ông Yoshihide Suga trúng cử Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản.
Theo đó, Thủ tướng Suga mới đây đã chỉ thị cho ông Norihisa Tamura, tân Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, phải hướng tới việc tăng mức lương tối thiểu trung bình trên toàn quốc là 1.000 yen/giờ.
Tại cuộc họp, ông Tamura cho biết: “Mong muốn của Thủ tướng Suga là nhanh chóng đạt được mức trung bình 1.000 yen/giờ. Tôi mong muốn một mức tăng bền vững.”
Nội các của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng họ sẽ tăng lương tối thiểu theo tỷ lệ hàng năm khoảng 3% và đã nhanh chóng đạt được điều này. Vào tháng 10/2012, thời điểm nội các của ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, mức lương tối thiểu trung bình cả nước của Nhật Bản là 749 yen/giờ, nhưng đến tháng 10/2019 đã đạt được 901 yen/giờ, tăng 152 yen/giờ, tương đương 20% trong 7 năm, đặc biệt là mức tăng đã đạt trên 3% trong giai đoạn 2016-2019.
Thảo luận lại ưu, nhược điểm của chính sách tăng lương tối thiểu
Một số chính trị gia cho rằng việc tăng mức lương tối thiểu địa phương sẽ làm tăng tiêu dùng và cải thiện nền kinh tế; do đó, việc đưa ra mức lương tối thiểu thống nhất trên toàn quốc sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế địa phương.
[Nhật Bản có chương trình kích cầu mới, khuyến khích dân đi ăn ở ngoài]
Trong khi đó, hiện cũng có tiếng nói phản đối từ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đã phản ánh ý kiến lên Phòng Thương mại và Công nghiệp rằng tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc trong vận hành doanh nghiệp. Đằng sau việc tăng lương tối thiểu là các doanh nghiệp lần lượt tuyên bố phá sản, số người thất nghiệp ngày một tăng.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát tại Nhật Bản, một tiểu ban của Hội đồng lương tối thiểu Trung ương thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận những ưu, nhược điểm của việc tăng lương tối thiểu.
Tuy nhiên, cuối cùng tiểu ban này cũng không thể xác định được một mức an toàn và đưa vào báo cáo cụm từ “duy trì mức lương tối thiểu hiện nay là phù hợp,” tức là mở đường cho việc duy trì không tăng lương tối thiểu.
Với kết quả này, trên phạm vi toàn quốc, 7 địa phương quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu hiện hành, 9 địa phương tăng thêm 3 yen/giờ, 14 địa phương tăng 2 yen/giờ, 17 địa phương tăng 1 yen/giờ, đưa mức tăng trung bình cả nước là 1 yen/giờ, lên mức 902 yen/giờ. Với việc 7 địa phương áp dụng mức lương tối thiểu ở mức thấp nhất là 792 yen/giờ, khoảng cách giữa các địa phương đã dần được thu hẹp nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu 1.000 yen/giờ mà tân Thủ tướng Suga đề ra. Thủ tướng Suga được xem là người ủng hộ tăng lương tối thiểu.
Ông Takeshi Shinnami, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Suntory Holdings, một thành viên tư nhân của Hội đồng Tư vấn Tài chính và Kinh tế của chính phủ, cho biết ông Suga khi còn là Chánh văn phòng nội các đã từng nói mức tăng 3% do nội các Abe đặt ra là không đủ, mà phải tăng thêm 5%.
Năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19, việc tăng lương tối thiểu đã nhiều lần bị trì hoãn nhưng ông Suga ngay sau khi lên nắm quyền đã sớm đặt ra tiêu chí hướng tới mức lương tối thiểu 1.000 yen/giờ và dự báo sẽ có nhiều đợt tăng trong năm tới.
“Liều thuốc” của chính quyền mới?
Chính sách mà ông Suga đưa ra sau khi nhậm chức là hết sức cụ thể, thiết thực, từ giảm cước điện thoại đến tăng trợ cấp chi phí điều trị hiếm muộn, đều nhấn mạnh đến góc độ quyền lợi của người tiêu dùng. Tăng lương tối thiểu sẽ góp phần nâng cao thu nhập của những người dễ bị tổn thương khi họ làm việc ở mức gần với mức lương tối thiểu.
Điều này có thể sẽ là khởi đầu của một “chu kỳ kinh tế tích cực” của Nhật Bản vốn chưa được thực hiện vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Abe. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giảm giá đồng yên và lợi nhuận đó được chuyển đến tay người tiêu dùng dưới hình thức tăng lương.
Sau đó người tiêu dùng lại tích cực mua sắm, bổ sung lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vòng tuần hoàn này chắc chắc sẽ góp phần đáng kể cho việc hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản.
Năm nay, Hội đồng tiền lương tối thiểu của Tokyo, nơi quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu, cho biết đã có những ý kiến về việc phải tăng lương theo năm. Từ nhu cầu lớn của người tiêu dùng đến tiếng nói của Thủ tướng Suga, chắc chắn mức độ ủng hộ của người dân đối với chính phủ sẽ tăng lên đáng kể.
Tại cuộc họp, ông Hiroshi Kajiyama, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã đưa ra các giải pháp phòng ngừa từ tác động của việc tăng lương tối thiểu, nhưng Thủ tướng Suga đã chỉ thị cho ông Kajiyama phải “cải thiện năng suất làm việc bằng cách thúc đẩy tổ chức lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Ý của ông Suga là nếu lương tối thiểu tăng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ quản lý yếu kém sẽ buộc phải điều chỉnh, sắp xếp lại để tránh nguy cơ bị đào thải.
Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản giảm phát, người dân Nhật Bản dần trở nên nghèo hơn so với bình diện quốc tế. Đây là cơ sở để Thủ tướng Suga bơm một “liều thuốc” mới dưới hình thức tăng lương tối thiếu cho nền kinh tế Nhật Bản./.