Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh gần đây ghi nhận những tín hiệu vui về sự hồi phục của nghệ thuật biểu diễn khi các suất diễn của đoàn cải lương tuồng cổ đều sáng đèn, thu hút khán giả.
Theo giới chuyên môn, có được những kết quả tích cực này là do các đơn vị nghệ thuật chủ động, sáng tạo thực hiện những vở diễn phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, trong đó việc tổ chức liveshow cho từng nghệ sỹ trẻ bằng vở diễn là giải pháp mới và khả thi hiện nay.
Tạo cơ hội rèn nghề
Là một trong 19 diễn viên trẻ được đào tạo từ sự kết hợp giữa Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải đã đề xuất ý tưởng tổ chức đêm liveshow (chương trình trực tiếp) "10 năm với đam mê" bằng một kịch bản cải lương được đầu tư dàn dựng công phu.
Đạo diễn, nghệ sỹ Chí Linh cho biết từ ý tưởng của nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải, tác giả trẻ Yến Ngân đã viết vở "Lan Lăng Vương nhập trận khúc." Đây là một câu chuyện có đủ cung bậc cảm xúc, tạo đất diễn không chỉ cho Hoàng Hải mà cho nhiều diễn viên trẻ.
Với vai trò đạo diễn, ông đã cố gắng sáng tạo những nét mới trong vở diễn như kết hợp giữa vũ đạo, võ thuật, chú trọng những đoạn diễn xuất nội tâm, để các vai diễn đều được dịp thể hiện năng lực, nhất là rèn tay nghề cho diễn viên trẻ.
Nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải cho rằng cách làm này đã thử thách chính bản thân, tạo cơ hội để thăng hoa cảm xúc trọn vẹn với nhân vật; đồng thời tiếp thêm năng lượng sáng tạo từ các bạn diễn đồng trang lứa.
Vở "Lan Lăng Vương nhập trận khúc" cũng góp mặt trong liveshow "10 năm với đam mê" của nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải đã công diễn chính thức vào tối 9/7 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với nhiều háo hức, kỳ vọng của những người thực hiện, đặc biệt là các diễn viên trẻ.
Sau vở này, nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải tiếp tục đầu tư thêm các vở mới để anh và các đồng nghiệp trẻ có được bệ phóng làm nghề.
Minh chứng cho sự năng động của các đơn vị nghệ thuật có thể thấy như nhóm nghệ sỹ Kim Tiến với vở "Thủy chiến" do chính cô đạo diễn.
Nhóm đã làm việc với nhiều đối tác để vở diễn tiếp cận phục vụ khán giả trẻ; đồng thời tìm cách đưa vở diễn đến các trung tâm văn hóa quận, huyện để tìm khán giả mới.
Cùng với đó, Sân khấu Tài năng trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đã khởi động và tái dựng 100 vở kinh điển cũ trong kho tàng kịch mục của Nhà hát.
Những tác phẩm được chọn để dàn dựng lại đều là những kịch bản hay, phù hợp với năng lực của nghệ sỹ trẻ.
Phát triển lực lượng kế thừa
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho rằng Sân khấu Tài năng trẻ là môi trường mới cho người trẻ, góp phần tạo không khí sỹnh động cho môi trường nghệ thuật.
Với nội dung mang nhiều màu sắc giải trí hướng tới đa dạng đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, Nhà hát hy vọng sẽ nuôi dưỡng được lớp khán giả mới để nối tiếp những giá trị truyền thống của nghệ thuật cải lương.
Ra mắt từ tháng 7/2022, Sân khấu Tài năng trẻ có sự hỗ trợ từ các nghệ sỹ, đạo diễn, soạn giả nhiều kinh nghiệm như soạn giả Hoàng Song Việt, Nghệ sỹ ưu tú Vân Hà, Nghệ sỹ ưu tú Tú Sương, nghệ sỹ Chí Linh...
Cùng với đó, Nhà hát còn tạo điều kiện cho các nghệ sỹ trẻ gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ các tiền bối. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối, trao truyền kinh nghiệm cũng như gửi gắm khát khao, hy vọng của thế hệ đi trước với thế hệ kế thừa.
Theo Nghệ sỹ ưu tú Vân Hà, các nghệ sỹ trẻ hiện nay đều có kỹ năng ca tốt, học hỏi nhanh, không ngại khó. Tuy nhiên, thế hệ nghệ sỹ cải lương trẻ thường bị so sánh không bằng các nghệ sỹ thế hệ vàng do không tạo được dấu ấn riêng.
Ngoài lý do nội tại như ý thức nghề kém, không chú tâm rèn luyện, phải kể đến lý do khách quan như sàn diễn cải lương ngày càng khó khăn khi các suất diễn trọn vở hiếm hoi, nghệ sỹ trẻ ít có được những vai diễn đầy đủ cảm xúc để được học hỏi, trưởng thành với nghề.
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, Nghệ sỹ ưu tú Hữu Quốc - những người từng có nhiều kinh nghiệm khi xây dựng và phát triển nhóm "Thắp sáng niềm tin" cũng đồng hành với vai trò cố vấn cho dự án của Nhà hát đều cho rằng bán vé là con đường duy nhất để sân khấu này tồn tại dài lâu. Nhưng thuyết phục khán giả mua vé xem diễn viên trẻ lại không dễ dàng.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết thêm để giải quyết bài toán này, Nhà hát cần ưu tiên những vở diễn nhẹ nhàng, màu sắc và cố gắng phát huy thế mạnh giọng ca của nghệ sỹ trẻ.
Mỗi vở diễn sẽ mời 1-2 ngôi sao sân khấu kết hợp để vừa truyền kinh nghiệm, vừa thu hút khán giả.
Bên cạnh đó, Nhà hát nên để diễn viên trẻ tập trung làm nghề, không áp lực với chuyện bán vé; công tác truyền thông cần được đẩy mạnh; phương thức bán vé cũng cần được cải thiện, kết hợp với các nền tảng số, bán trực tuyến.
Về vấn đề này, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lý giải hiện Nhà hát phải tự thân vận động, gánh vác một phần chi phí hoạt động từ các nguồn thu.
Do vậy, nỗi lo kinh phí đường dài đang là bài toán khó, mong sớm tìm được lời giải. Cách tổ chức liveshow bằng vở diễn của nghệ sỹ trẻ cũng đang tạo sự mới lạ, thu hút khán giả đến rạp.
Ở góc độ cố vấn chuyên môn, Nghệ sỹ nhân dân Trần Minh Ngọc, người có hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, là thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng, đạo diễn của rất nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao giải pháp thực hiện liveshow bằng vở diễn.
Theo Nghệ sỹ nhân dân Trần Minh Ngọc, nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính ước lệ, mềm mại của cải lương với nhiều bộ môn nghệ thuật khác thì tác phẩm sẽ tạo được sự mới lạ, thu hút được nhiều khán giả đến rạp hơn./.