Ngày 12/11, tại hội thảo bất động sản năm 2020 của Forbes Việt Nam với chủ đề "Vượt qua trở lực," các chuyên gia cho biết do nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, mức giá chào bán sơ cấp trên thị trường nằm trong xu hướng tích cực và tăng nhẹ ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những thách thức ngắn hạn, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như một giải pháp thúc đẩy kinh tế và mở ra cơ hội phát triển thị trường bất động sản trong dài hạn, nhất là hình thành kết nối và quy hoạch vùng.
Xoay sở linh hoạt
Theo các chuyên gia, mặc dù kinh tế Việt Nam duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP 2,12% tính tới hết quý 3/2020, nhưng cũng như nhiều ngành, lĩnh vực bất động sản diễn biến kém khả quan do chịu tác động tiêu cực đại dịch COVID-19 và các nút thắt pháp lý trong việc cấp dự án mới.
Năm 2020, là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận thị trường sơ cấp kém sôi động do hạn chế nguồn cung.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, đánh giá nguồn cung hạn chế từ những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến người mua tìm cơ hộ mới tại những khu vực lân cận như tỉnh Bình Dương, Hưng Yên... Xét theo phân khúc, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi thu hút được nhiều nhóm đối tượng với phân khúc sản phẩm đa dạng.
[TP.HCM: Bất động sản bị 'thổi giá' theo quy hoạch thành phố Thủ Đức]
Trong thời gian qua có khoảng 65% số căn hộ chào bán ra thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thuộc phân khúc cao cấp. Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có tính hiệu điều chỉnh cơ cấu căn hộ với nhiều sản phẩm trung cấp tập trung vào người mua để ở trước khi bị tác động của việc chậm cấp phép và ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Đối với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, sự sụt giảm nguồn cung vẫn là trở lực lớn và gần như là hàng đầu của lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trên đà giảm rõ rệt do thị trường điều chỉnh cơ cấu và biến động bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, khu Đông tiếp tục thu hút nhà đầu tư và người mua để ở, đây cũng là khu vực duy trì thị trường trọng tâm cho Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới.
Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cung tăng nhẹ; trong đó, có Thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 2021 thành phố sẽ đạt 17.500 căn hộ với tỷ lệ chào bán thành công có thể lên tới 16.000 căn.
Các xu hướng chính từ 2020 trở về sau đối với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, có thể kể đến như khu vực phía Đông là hướng phát triển chính, phát triển quỹ đất đa dạng... Song song đó, hầu hết dự án sẽ cải tiến sản phẩm theo hướng thay đổi cơ cấu, diện tích sản phẩm, hành thang, thang máy rộng hơn.
Trước bối cảnh chịu tác động từ dịch bệnh và chính sách phát triển vĩ mô, doanh nghiệp bất động sản cho biết gặp nhiều khó khăn và không thể đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp đã và đang xoay sở linh hoạt để tiếp tục duy trì hoạt động với những giải pháp thích ứng cho thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc SonKim Land, chia sẻ những tín hiệu tốt từ việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, dù vẫn chịu tác động nhất định của dịch COVID-19.
Trong giai đoạn khủng hoảng, nhà đầu tư thường lựa chọn những kênh đầu tư, cũng như dự án an toàn... nên dự án đáp ứng được những yêu cầu này sẽ giao dịch tốt.
Cùng quan điểm, ông Jason Turnbull, Phó Tổng giám đốc, đồng thời là Giám đốc tài chính Masterise Homes cho hay, quý 3/2020 doanh nghiệp đã tung ra hai dự án và nhận thấy phân khúc cao cấp đang được thị trường đón nhận.
Để đạt được thành công khi tung ra sản phẩm, doanh nghiệp cần lắng nghe và thấu hiểu khách hàng để hỗ trợ họ tìm kiếm sản phẩm phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp phải khảo sát thị trường, nhằm giới thiệu những sản phẩm phù hợp với thị thiếu tiêu dùng mới.
Xây dựng đô thị đáng sống
Với xu hướng lớn đô thị hóa, nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam dự kiến sẽ đạt 50-55% dân số sống ở đô thị vào năm 2035.
Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra đồng thời việc hình thành đô thị mới, song hành với chỉnh trang đô thị hiện hữu. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, các dự án bất động sản và phối hợp liên ngành giao thông, tiện ích, cùng với hạ tầng công nghệ.
Mặt khác, cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ nhanh chóng trở thành cuộc cạnh tranh ở cấp độ đô thị. Do đó, phát triển đô thị không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, trong phát triển đô thị thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân, tránh trường hợp đô thị hình thành nhưng không thu hút được người dân. Cụ thể, trước khi triển khai dự án cần nghiên cứu cư dân tương lai là những ai, chứ không chỉ dừng lại ở việc xây nhà để bán.
Như vậy, trong quy hoạch thì phát triển đô thị luôn đi cùng vấn đề xử lý tài nguyên môi trường, sử dụng đất phục vụ cho đối tượng nhóm dân cư... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng khác với trước đây là trường học, siêu thị... nhưng hiện nay đòi hỏi đa dạng yếu tố tiện ích hơn đối với môi trường sống và làm việc của đa dạng cộng đồng cư dân.
Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết trong quy hoạch đô thị cần giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế đô thị.
Ngoài ra, để biến dự án thành "đất lành chim đậu" không phải là vấn đề dễ dàng, đồng thời cần quyết tâm và ý chí đầu tư, nhất là sự cộng hưởng của nhiều nguồn lực khác nhau.
Đối với những ấn đề đặt ra cho bài toán quy hoạch tại Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cũng chỉ ra rằng, quy hoạch đô thị tại Việt Nam đang mang tính chấp vá và chưa chú trọng tính kế thừa đúng mức.
Nếu quy hoạch đô thị và kết nối cơ sở hạ tầng tốt thì người dân sẽ di cư cơ học đến sinh sống, hay nói cách khác đô thị đáng sống sẽ tạo được sức cạnh tranh cao.
Ở Việt Nam, những thế hệ người trẻ đang cho thấy có đòi hỏi đa dạng tiện ích và yêu cầu cao về môi trường sống hiện đại, năng động.
Giai đoạn sắp tới được đánh giá là giai đoạn hội nhập quốc tế bền vững, nhu cầu đô thị rẩt lớn nên cần hoàn chỉnh và đồng bộ các dự án để đáp ứng tốt nhu cầu của dân cư, nhất là thúc đẩy hợp tác công-tư.
Ông Olivier Souquet, Sáng lập và Chủ tịch De-so Architects Planners, sự hấp dẫn và thu hút của đô thị là có yếu tố bản sắc bản địa, nên câu hỏi đặt ra là làm sao xây dựng được những thành phố có sự khác biệt.
Vấn đề toàn cầu hóa cũng dẫn đến quá trình giao thoa văn hóa, nên đô thị cần những điểm nhấn mà ai nhìn vào cũng có thể nhận ra địa điểm đó là ở đâu.
Thành phố đáng sống là thành phố có thể tiếp tục mở rộng và phát triển; trong đó, đảm bảo yếu tố thiên nhiên, giao thông, cơ sở hạ tầng... Vị trí địa lý của đô thị cũng giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh, nhưng vấn đề là các địa phương tận dụng được những lợi thế sẵn có hay không.
Các chuyên gia đồng quan điểm rằng, đô thị đáng sống cần xác định phù hợp với những đối tượng cụ thể để tạo nên cơ chế chính sách phát triển phù hợp. Trong một đô thị cũng hình thành những nhóm cộng đồng dân cư khác nhau, nên cần nhìn nhận quy hoạch đô thị dưới góc độ đa ngành, đa bản sắc văn hóa.
Phát triển đô thị phải hướng đến yếu tố bền vững, đảm bảo vấn đề môi trường, an sinh xã hội... Song song đó, đô thị không thể tách rời liên kết vùng và những tỉnh, thành lân cận, nhằm đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế và nguồn cung nhà ở, cũng như tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp./.