Tập đoàn Evergrande đạt thỏa thuận tái cơ cấu nợ nước ngoài

Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đang “ôm” khoản nợ hơn 300 tỷ USD - tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong đó 22,7 tỷ USD là nợ nước ngoài.
Tập đoàn Evergrande đạt thỏa thuận tái cơ cấu nợ nước ngoài ảnh 1Trụ sở tập đoàn Evergrande tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ với các chủ nợ quốc tế.

Thỏa thuận được đánh giá có thể giúp tập đoàn này giải quyết khoản nợ khổng lồ.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đang “ôm” khoản nợ hơn 300 tỷ USD - tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong đó 22,7 tỷ USD là nợ nước ngoài.

Trong hồ sơ gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 3/4, Evergrande cho biết tập đoàn này đã nhất trí về các đề xuất với một nhóm chủ nợ chính.

Các chủ nợ tham gia 3 kế hoạch tái cơ cấu nợ, hoán đổi nợ thành tín phiếu và trái phiếu mới hoặc cổ phần trong công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services và công ty sản xuất xe điện Energy Vehicle của Evergrande niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc).

[Evergrande công bố kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài]

Các kế hoạch tái cơ cấu trên được Evergrande công bố tháng trước. Evergrande hy vọng việc tái cơ cấu như đề xuất sẽ tạo thuận lợi cho việc nối lại hoạt động kinh doanh và dần dần tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ. Quá trình tái cơ cấu nợ dự kiến diễn ra từ ngày 1/10 tới.

Lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc vẫn đang lao đao khi các công ty phát triển bất động sản, trong đó có Evergrande, không thể hoàn thành các dự án nhà ở. Trong khi đó, các công ty nhỏ bị vỡ nợ hoặc gặp khó khăn trong việc huy động vốn kể từ khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các quy định cho vay vào năm 2020.

Tháng 11/2022, cơ quan quản lý ngân hàng và Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố các biện pháp mới để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh lĩnh vực bất động sản.

Những biện pháp này bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần, hỗ trợ tài chính để đảm bảo hoàn thành các dự án và hỗ trợ cho vay trả chậm đối với người mua nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.