Tập đoàn Saudi Aramco tăng cường hoạt động thăm dò và khai thác dầu

Giám đốc điều hành Aramco cho biết phần lớn nguồn vốn đầu tư của Aramco trong năm nay sẽ được dành cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô.
Tập đoàn Saudi Aramco tăng cường hoạt động thăm dò và khai thác dầu ảnh 1Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia. (Ảnh: Reuters)

Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia đang tìm cách nâng chi tiêu vốn lên 40-50 tỷ USD trong năm 2022, sau khi lợi nhuận ròng của tập đoàn này tăng hơn 120% trong năm ngoái nhờ giá dầu thô tăng cao hơn.

Giám đốc điều hành Aramco, ông Amin Nasser, cho biết phần lớn nguồn vốn đầu tư của Aramco trong năm nay sẽ được dành cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô, khi tập đoàn đạt mục tiêu nâng công suất sản xuất dầu thô tối đa lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027 và tăng hơn 50% sản lượng khai thác khí đốt vào năm 2030.

Theo số liệu chính thức, chi tiêu vốn của Aramco trong năm 2021 đã ở mức 31,9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020.

Nhờ giá dầu không ngừng leo thang trong thời gian gần đây, Aramco đã đạt giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ hai thế giới là 2.300 tỷ USD vào ngày 20/3.

[Giá dầu trên thị trường thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp]

Lợi nhuận ròng của Aramco trong năm ngoái tăng 124% so với năm trước đó, lên 412 tỷ SR (khoảng 110 tỷ USD), cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích.

Theo Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu Chung (JODI), xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia trong tháng 1/2022 đã tăng 59.000 thùng/ngày, lên gần 6,99 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, lượng dầu dự trữ của Saudi Arabia trong tháng 1/2022 giảm 0,7% so với tháng trước đó, xuống khoảng 133,74 triệu thùng.

Saudi Arabia đã giành lại vị trí nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2022, sau khi bị Nga vượt mặt vào tháng 12/2021.

Theo các số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Saudi Arabia, lượng dầu thô của Saudi Arabia xuất sang thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay đạt 14,61 triệu tấn, tương đương 1,81 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với 1,86 triệu thùng/ngày của cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.