Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho dân; tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Chiều 8/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo thường kỳ quý 4/2020.

Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh chia sẻ xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là khâu then chốt, đột phá và được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt theo hướng tạo lập môi trường pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, phục vụ tốt nhất thực tiễn.

Vấn đề nhà ở được dư luận đặc biệt quan tâm, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân; tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở; nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới.

Cùng đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được hoàn thiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung-cầu. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên bám sát tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật... giúp thị phát triển ổn định, lành mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung.

Tại buổi họp báo, một số nội dung được quan tâm tập trung vào các vấn đề như giá bất động sản vẫn còn cao; cải tạo chung cư cũ chậm; tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; hành lang pháp lý và các Luật sửa đổi có liên quan...

[Bất động sản 2021: Dự báo lạc quan về giá và tính thanh khoản]

Lý giải về việc dù thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng giá nhà vẫn tăng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng cho hay căn hộ cao cấp tăng 0,5%, chung cư tăng từ 2-3%, đất nền tăng 5%, cá biệt có nơi tăng tới 10%.

Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ tệ tăng cao hơn Hà Nội. Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm nên giá nhà tăng. Nguồn cung hạn chế hơn giai đoạn trước do có nhiều dự án phải rà soát lại theo quy định của hệ thống pháp luật, điều kiện pháp lý... khiến tiến độ chậm.

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về xây dựng, cải tạo chung cư cũ để trình Chính phủ ban hành. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên ngân sách thực hiện trước và hoàn thành việc rà soát, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà chung cư theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị; hoàn thành việc lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn...

Cùng đó, các địa phương cần lập, phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực, dự án có nhà chung cư cũ làm cơ sở để triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng và việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chủ động tạo lập quỹ nhà, quỹ đất để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm.

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, bất cập của địa phương để đẩy mạnh cải tạo, xây dựng nhà chung cư trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.