Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/8 công bố báo cáo cho biết trong tháng 6/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 7,3%, tương ứng 3,2 tỷ USD, lên 46,3 tỷ USD.
Đây cũng là mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất mà nền kinh tế số 1 thế giới gánh chịu kể từ tháng 11/2016, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của một số nước nhằm giảm con số này.
Báo cáo nêu rõ trong khi kim ngạch xuất khẩu Mỹ giảm 0,7% còn 213,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng 0,6% lên 260,2 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng thuốc men và dầu thô.
Cụ thể, so với tháng 5/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 với các đối tác như Trung Quốc là 33,5 tỷ USD (tăng 0,9%), với Mexico là 7,4 tỷ USD (tăng 10,5%) và với Canada là 2 tỷ USD (tăng 39,7%).
[Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại leo thang]
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là 291,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép với các đối tác kinh tế bằng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tự do nhằm giảm mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm qua của Washington.
Tuy nhiên, những con số thực tế nêu trên đã phản ánh rõ chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ theo đuổi là không hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ gánh chịu mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm là một thực tế không thể thay đổi bằng chính sách của nền kinh tế Mỹ, đó là mức tiêu thụ của người dân Mỹ lớn hơn lượng hàng hóa được sản xuất và hàng hóa nhập khẩu bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó./.