Thanh Hóa: Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi lớn nguyên vẹn

Bộ xương Ông cá voi còn nguyên vẹn có chiều dài khoảng 12m, khung xương rộng gần 2m, được trưng bày trong tủ kính tại Đền thờ ông Nam Hải ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa: Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi lớn nguyên vẹn ảnh 1Ngôi đền nơi đang lưu giữ bộ xương con cá voi nguyên vẹn kích thước lớn. (Nguồn: laodong.vn)

Hậu Lộc là một huyện ngư nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa, gồm 5 xã ven biển là Minh Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc và Hải Lộc.

Tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân vùng ven biển huyện Hậu Lộc có từ lâu đời, chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.

Người dân huyện Hậu Lộc tôn kính gọi cá voi là cá Ông hoặc “ngài,” thần Nam Hải. Đối với ngư dân nơi đây, cá Ông là thần hộ mệnh, là nơi gửi gắm niềm tin khi họ gặp sóng to, gió lớn.

Ngôi đền thờ “ngài” cá voi tại huyện Hậu Lộc đã có từ hàng trăm năm nay. Tương truyền, sau khi “cõng” người đi biển gặp nạn vào bờ, cá voi đã mắc cạn và qua đời. Người dân địa phương sau đó đã lập đền thờ với hy vọng luôn được “ngài” che chở mỗi khi ra khơi.

Lúc đầu người dân chỉ thờ vọng cá trong ngôi miếu nhỏ, mãi đến năm 1739 xuất hiện xác "ông" cá voi lớn dài gần 20m, chiều cao thân cá hơn 2m, nặng gần 20 tấn dạt vào bờ, dân làng Diêm Phố phát hiện đầu tiên, sau đó làng Y Vích (xã Hải Lộc) và Bến Sung (xã Nga Bạch, Nga Sơn) đều nhìn thấy.

Cho rằng đây là điềm may của làng, vì từ nay không phải thờ vọng nữa mà thờ trực tiếp. Dân làng đưa thuyền ra cung nghinh cá vào bờ, nhưng vì trọng lượng quá lớn nên không thể mai táng theo cách thông thường.

Thấy vậy, dân làng về nhà kiếm đủ 100 lá chiếu che phủ cho cá để ngoài bờ biển. Đồng thời làng đứng ra tổ chức tang lễ cho cá giống như tổ chức đám tang cho một vị cao niên được trọng vọng trong làng. Việc tổ chức đám tang diễn ra trong 3 ngày và được dân làng các nơi kéo đến rất đông để phúng viếng.

Sau một thời gian, thịt cá được nước biển rửa sạch, các vị chức sắc trong làng mới lấy xương cốt còn lại đem rửa thật kỹ bằng rượu, phơi khô gọi là thượng ngọc cốt. Bộ xương của cá được chia làm 3 phần: Bến Sung nhận phần đầu, Y Vích nhận phần đuôi và Diêm Phố nhận phần thân. Sau đó làng đã xây miếu để thờ.

Thời gian trôi qua, nước biển lấn sâu, làng Diêm Phố phải mua đất ở làng khác và xây đền thờ mới vào năm 1755. Ngôi đền được xây sâu vào làng cách đền cũ 1km, quay mặt về hướng Đông Nam như dõi theo các hoạt động đánh bắt của ngư dân nơi đây, dẫn dắt và mang lại những điều may mắn cho họ cũng như cứu vớt họ khi họ gặp dông tố trên biển.

[Đến thăm nơi giữ bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Thuận]

Vào đầu năm 2005, vùng biển xã Đa Lộc xuất hiện xác một con cá voi xám khổng lồ nặng 40-50 tấn trôi dạt vào bãi sú vẹt. Ngay sau đó, dân làng tập trung làm lễ, chôn cất “Ông cá voi” ven biển, trong khu vực rừng sú vẹt của xã.

Hơn 1 năm sau, xác cá phân hủy, người dân nơi này đã huy động hàng chục chiếc thuyền đánh cá ra biển để đưa bộ xương cá voi khổng lồ vào bờ và tiến hành các nghi lễ đưa bộ xương về thờ tại Phủ Gảnh trong làng.

Thanh Hóa: Độc đáo ngôi đền thờ bộ xương cá voi lớn nguyên vẹn ảnh 2Bộ xương Ông cá voi được lưu giữ trong tủ kính tại ngôi đền thờ. (Nguồn :laodong.vn)

Đến năm 2015, khi cuộc sống khấm khá, ổn định hơn, người dân thôn Hùng Thành và Yên Lộc (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng con cháu làm ăn xa quê đã cùng đóng góp, xây dựng ngôi đền thờ và làm lăng kính để trưng bày bộ xương cá voi.

Từ đó, người dân trong làng gọi nơi đây là Đền thờ ông Nam Hải. Đến thời điểm này, đây là bộ xương cá voi lớn nhất xứ Thanh được người dân gìn giữ, bảo quản.

Ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hùng Thành (xã Đa Lộc) cho biết, bộ xương Ông cá voi có chiều dài khoảng 12m, khung xương rộng gần 2m, được bảo quản trong tủ kính, sắp xếp theo thứ tự từ đầu đến đuôi, với 40 đốt xương sống, 2 xương mang và 24 chiếc xương sườn, xương hình cánh quạt, xương hình cánh cung.

Từng đốt xương có kích thước rất lớn. Trước khi đưa vào trưng bày trong tủ kính, mỗi chiếc xương cá từ to đến nhỏ đều được vệ sinh sạch sẽ bằng rượu nguyên chất rồi phơi nắng để chống nấm mốc.

Điều đặc biệt nhất là bộ xương cá voi ở làng biển Hùng Thành còn nguyên vẹn và đầy đủ nên không cần phải cố định bằng khung gỗ hay khung inox như các bộ xương cá ở những nơi khác. Người dân chỉ cần sắp xếp đúng cấu trúc, vị trí; sau khi ghép xong, bộ xương của Ông cá voi được tạo hình hoàn chỉnh như hình dạng ban đầu của cá.

Từ đó đến nay, cá Ông tọa lạc yên ổn ở ngôi đền quay mặt ra biển.

Ngư dân nơi đây cho biết, đền thờ cá voi rất thiêng, như là bùa hộ mệnh cho bà con đi biển được bình an và sản lượng nhiều.

Tháng Giêng hàng năm, ngư dân làng Hùng Thành lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư ở đền thờ. Đó là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn cá voi và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, tàu thuyền đi khơi về lộng an toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.