Ngày 29/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020; triển khai giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Sáu tháng đầu năm 2016, Thanh Hóa có trên 1,5 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng trên 199.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2015. Chi phí khám chữa bệnh là 1.369 tỷ đồng; trong đó, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tỉnh 1.196 tỷ đồng, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trung ương và các tỉnh khác là 173 tỷ đồng.
Điều đáng nói là mức chi như vậy nhưng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tỉnh Thanh Hóa được sử dụng là 974 tỷ đồng. Như vậy, Thanh Hóa chi vượt quỹ bảo hiểm y tế 395 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2015, chi phí phát sinh tại tỉnh gia tăng 406 tỷ đồng.
Tính cụ thể, bình quân chi phí cho 1 lượt điều trị cả nội trú và ngoại trú đều tăng, trong đó, mức tăng điều trị nội trú 6 tháng đầu năm 2016 là hơn 2,2 triệu đồng/người/đợt điều trị (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015 là 1,8 triệu đồng/người/đợt điều trị); mức tăng điều trị ngoại trú 6 tháng đầu năm 2016 là 331.000 đồng/đơn (tăng 47% so với cùng kỳ năm 2015 là 225.000 đồng/đơn).
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh Hóa thuộc nhóm đầu trong số các địa phương bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước.
Phía Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thông qua số liệu 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, việc tăng chi bảo hiểm y tế cũng có những dấu hiệu bất thường khi số lượt người khám chữa bệnh tăng đột biến trong khi cơ cấu bệnh tật không biến động.
Việc chi vượt quỹ bảo hiểm y tế như vậy về nguyên nhân khách quan là do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (ước tính 188 tỷ đồng) và tác động của việc thông tuyến chuyên môn kỹ thuật (khoảng 78 tỷ đồng). Hai nguyên nhân này đã khiến chi bảo hiểm y tế tăng 266 tỷ đồng.
Về nguyên nhân chủ quan, do sự yếu kém trong công tác quản lý, giám sát của Bảo hiểm xã hội, sự vi phạm quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh, thanh toán thuốc và dịch vụ kỹ thuật không có trong danh mục, chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dùng thuốc giá cao, áp sai giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật; áp giá ngày giường sai...
Một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện thông tư liên tịch số 37 có tình trạng chia tách dịch vụ kỹ thuật hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật cụ thể như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân...
Đặc biệt, tình trạng gia tăng đột biến số lượt bệnh nhân vào nằm điều trị nội trú trong khi cơ cấu bệnh tật không có biến động, không có thông báo dịch bệnh từ các ngành chức năng.
Sáu tháng đầu năm 2016, có 341.156 lượt bệnh nhân vào điều trị nội trú trong khi đó cùng kỳ năm 2015 là 275.603 lượt bệnh nhân.
Công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hầu hết các đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc quy chế bệnh viện; nhiều bệnh nhân không có mặt tại buồng bệnh, điều trị nội trú khi tình trạng bệnh lý chưa đến mức nằm viện.
Cụ thể, chỉ trong 25 ngày đầu tháng 8/2016, kiểm tra đột xuất bệnh nhân khu vực nội trú toàn tỉnh có tới 2.427 lượt bệnh nhân vắng mặt tại thời điểm kiểm tra, chiếm 10% trên tổng số bệnh nhân đang điều trị (tương đương 5,58 tỷ đồng).
Các đoàn kiểm tra của bảo hiểm xã hội tỉnh, hoặc phối hợp với thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều chuyến xe thu gom, tập trung đưa, đón người có thẻ bảo hiểm y tế (chủ yếu là những người có thẻ bảo hiểm y tế thuộc các nhóm đối tượng không cùng chi trả) từ các huyện Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia... với số lượng lớn đến khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện như Bệnh viên Đa khoa Thanh Hà, Đa khoa ACA, Hàm Rồng, Bệnh viện Mắt Bình Tâm, Bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam, Bệnh viện Tâm Đức Cầu Quan...
Sau khi nghe các ý kiến tham gia thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền yêu cầu: "Bảo hiểm xã hội phải tăng cường quản lý và giám sát, tăng cường cán bộ để kiểm tra quy trình, đúng hướng dẫn của nhà nước về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan đánh giá một cách đầy đủ, chính xác và có căn cứ các nguyên nhân khiến chi phí bảo hiểm y tế tăng. Nếu nguyên nhân là do các quy định, chính sách thì cần kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và Chính phủ để có biện pháp xử lý. Ngành y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, đúng quy trình của Bộ Y tế, không lạm dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật.
Các ngành liên quan phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, các đơn vị trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm, điều tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, quyết liệt xử lý và ngăn chặn tình trạng trục lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế."
Ngoài ra, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện các trường hợp gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo nguồn quỹ được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chấm dứt ngay tình trạng sử dụng mọi hình thức quảng bá, quảng cáo, khuyến mại bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật, kể cả việc sử dụng xe ôtô thu dung đưa đón người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, làm gia tăng số người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế./.