Ngày 13/12, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức Lễ công bố thành lập các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và Hội đồng đạo đức Y sinh của trường.
Đây là lần đầu tiên một trường đại học ở Việt Nam thành lập các trung tâm nghiên cứu liên ngành về khoa học sức khỏe có sự tham gia chủ trì của các giáo sư quốc tế uy tín.
[ADB hỗ trợ hơn 100 triệu USD nâng cao chất lượng dịch vụ y tế]
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, việc hình thành và phát triển mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cách mạnh công nghiệp 4.0 và sự phát triển của tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề thực tiễn.
5 trung tâm nghiên cứu xuất sắc được công bố thành lập bao gồm: Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về y học hành vi, Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về y học thực chứng, Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Trí tuệ nhân tạo trong Y học, Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Dịch vụ và Hệ thống Y tế và Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Kinh tế và Quản lý Dược.
Các trung tâm dưới sự điều hành, tư vấn của các giáo sư, phó giáo sư quốc tế với năng lực và kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn sẽ là các hạt nhân trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học thông qua xây dựng và quốc tế hóa các chương trình đào tạo nghiên cứu phổ cập và chuyên sâu.
Thông qua các trung tâm nghiên cứu khoa học, nhà trường sẽ nâng cao hiệu suất nghiên cứu thông qua tổ chức và quy hoạch các màng lưới và đội hình nghiên cứu; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phục vụ đời sống, sản xuất, kết nối các bên tham gia trong chuỗi giá trị về khoa học, mở rộng ảnh hưởng và tác động xã hội.
Phó giáo sư Roger Ho - Giám đốc lâm sàng Viện nghiên cứu Công nghệ y sinh toàn cầu Đại học quốc gia Singgapore kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Y học hành vi (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết việc tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học đang trở thành một xu thế tất yếu và ngày càng được nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên thế giới đặc biệt quan tâm. Hiện, mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc là một cách tiếp cận trong phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng đã được nhiều nước phát triển ưu tiên thúc đẩy trong thời gian gần đây.
Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Centre of Excellence) là một mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được một số nước Anh, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Brazil… sử dụng trong thời gian gần đây. Ngay từ năm 2005, Việt Nam đã có ý định tiếp cận mô hình này với mục tiêu triển khai trong chiến lược khoa học công nghệ 2010 – 2020.
Các trung tâm nghiên cứu xuất sắc tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành có đội ngũ lãnh đạo là các nhà khoa học quốc tế có học hàm giáo sư/phó giáo sư, là các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu/ứng dụng trong lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển nhất về nghiên cứu như Mỹ, Anh, Canada…
Các giám đốc sẽ thực hiện vai trò xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển trung tâm, tư vấn xây dựng và tổ chức giảng dạy các nội dung và chương trình đào tạo nghiên cứu, điều hành hoạt động nghiên cứu, tổ chức phát triển các đề án nghiên cứu trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy, mở rộng kết nối giữa Trung tâm với cộng đồng khoa học quốc tế.
Năm trung tâm được thành lập của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của 10-20 trung tâm với tầm nhìn vào năm 2025, tạo thành hệ sinh thái nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp./.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành trường Đại học Nghiên cứu ứng dụng thực hành, đạt chuẩn quốc gia và có uy tín trong nước và quốc tế.
Nhà trường cũng đặt mục tiêu vào top 50 trường lớn nhất trong ASEAN với khoảng 10 đến 20 trung tâm; đến năm 2030 đạt chuẩn quốc tế với chú trọng về các lĩnh vực chất lượng do tổ chức kiểm định QS quy định, bao gồm chất lượng nghiên cứu, chất lượng giảng dạy và mức độ quốc tế hóa.