Ngày 23/2, ngay sau khi nhận được kết quả 31 người dân tại tầng 15, Chung cư Carillon (số 1 đường Trần Văn Danh, Phường 13, quận Tân Bình) đều âm tính với SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã chính thức gỡ bỏ phong tỏa đối với địa điểm này.
Đây là địa điểm cuối cùng trong 35 điểm phong tỏa do dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh được gỡ bỏ.
Trước đó, ngày 9/2, Chung cư Carillon là nơi sinh sống của ca bệnh 2065 (BN2065, 43 tuổi, nhân viên giám sát hàng hóa của Vietnam Airlines) được lệnh phong tỏa.
Ca bệnh này sống ở tầng 15 của chung cư. Toàn chung cư có 369 căn hộ với khoảng 400 người, trong đó có 3 F1 sống cùng nhà với bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, 26 trường hợp F2 được lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, toàn bộ cư dân chung cư cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 14/2, toàn bộ F1, F2 và cư dân chung cư đều có kết quả xét nghiệm âm tính, do đó chỉ còn các hộ dân thuộc tầng 15 phải tiếp tục phong tỏa, cách ly đủ 14 ngày.
Đến ngày 23/2, sau khi hết 14 ngày cách ly, cùng với kết quả xét nghiệm cuối cùng của 31 người tầng 15 âm tính thì lệnh phong tỏa cũng được gỡ bỏ.
Như vậy, đây là điểm cuối cùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được gỡ bỏ phong tỏa do dịch COVID-19.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 23/2, Thành phố đã có 12 ngày không phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Có 210 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại Thành phố, trong đó 190 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 20 trường hợp đang điều trị.
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giám sát người từ vùng dịch trong nước đến Thành phố sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, Thành phố tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh, thành khác về Thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, khu công nghiệp - khu chế xuất - doanh nghiệp.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 155.451 trường hợp khai báo y tế; trong đó, 274 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 26 cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe.
Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, ga tàu 9.480 trường hợp, trong đó 9.172 mẫu âm tính, 308 mẫu đang chờ kết quả.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giám sát y tế bằng hình thức cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đối với những người đến từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đó là những người đến từ tỉnh Hải Dương; những người đến từ các các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu của tỉnh Hưng Yên và các địa điểm của thành phố Hải Phòng gồm xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên), phường Dư Hàng (quận Lê Chân) và thôn Kim Sơn (xã Lê Thiện, huyện An Dương).
Đối với những người đến từ các địa phương có ca bệnh nhưng không có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh hoặc những người từng đi qua các địa điểm mà Bộ Y tế công bố được ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm giám sát 1 lần, yêu cầu cách ly tại nhà đủ 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác vì dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của ngành Y tế và thực hiện khai báo y tế trung thực.
Linh hoạt trong triển khai dạy và học trực tuyến
Thực hiện chủ trương của thành phố tiếp tục kéo dài thời gian ngừng đến trường cho đến hết tháng 2/2021 để phòng, chống dịch COVID-19, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai dạy học trên internet cho học sinh.
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với kinh nghiệm trước đó, việc triển khai dạy học trực tuyến được các trường thực hiện linh hoạt cả về thời gian và hình thức, như dạy học trực tuyến tương tác theo thời khóa biểu cố định, gửi clip bài giảng cho học sinh, giao bài tập để các em ôn tập, củng cố kiến thức…
Để triển khai kế hoạch dạy học qua internet hiệu quả, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tùy theo điều kiện của từng trường, giáo viên và học sinh có thể chủ động lựa chọn triển khai bằng nhiều hình thức như dạy học trực tuyến, xây dựng các video clip học tập…
Riêng với hình thức dạy học trực tuyến, nhà trường sắp xếp thời gian tổ chức dạy học phù hợp, thuận tiện cho học sinh, thông báo đến phụ huynh để hỗ trợ các em học tập.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và học sinh, giáo viên có thể sử dụng nhiều biện pháp, ứng dụng khác đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh, trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
Với các địa phương, các khối lớp còn khó khăn, giáo viên có thể thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn hay các phương tiện khác... hoặc in sao trên giấy để gửi đến phụ huynh học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn các trường dạy trực tuyến tập trung cho các môn tùy theo khối lớp. Cụ thể, khối lớp 1, 2, 3 tập trung cho các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ; còn khối lớp 4, 5 tập trung các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.
Với học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc học trực tuyến thuận lợi hơn do các em đã tự chủ trong việc học cũng như sử dụng các thiết bị, ứng dụng học tập. Hầu hết các trường tổ chức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu, trong đó tập trung vào các môn chính.
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) tổ chức dạy học trực tuyến cho các môn chính ban như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn... và cả giáo dục kỹ năng.
Các môn còn lại sẽ được giáo viên gửi nội dung, bài tập qua các kênh tương tác khác nhau và thực hiện kiểm tra bằng phần mềm 789. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường đã hoàn tất đường truyền internet trong mỗi lớp để phục vụ việc dạy học trực tuyến.
Trường cũng có kế hoạch dạy bù giờ, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh khi học tập trung trở lại.
Cùng với triển khai dạy học trực tuyến đảm bảo kế hoạch năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ngày 23/2, Sở tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch để nắm tình hình chuẩn bị của các cơ sở giáo dục đón học sinh đi học trở lại./.