Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thương nhân, nhà đầu tư nước ngoài

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài xem Sở là đối tác trong thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thương nhân, nhà đầu tư nước ngoài ảnh 1Đại diện Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tham gia Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 31/3, tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện nhiều sở, ngành thành phố đã giới thiệu thủ tục, quy trình đầu tư và cơ chế chính sách ưu đãi đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi, khuyến khích Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với ngành Công Thương trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Xúc tiến tập trung chuyên ngành

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố là nơi tập trung đông nhất Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, với gần 1.900 văn phòng đang thực hiện chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh dịch vụ... của thương nhân đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong số đó, rất nhiều Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có những đóng góp đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Điển hình, các Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đã góp phần lan tỏa hàng hóa mang thương hiệu, xuất xứ Việt Nam ra thị trường thế giới. Từ đó, thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao nhất thế giới và khu vực, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 là 14,6%/năm và năm 2021 là 19%.

Thông qua hoạt động giới thiệu, xúc tiến của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận, trải nghiệm hàng hóa chất lượng cao, thiết bị, công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý tiên tiến... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Hầu hết chương trình, đề án trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đa dạng lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cầu đường, cảng biển, hàng không... đều có sự tham gia của các chuyên gia, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang đặt Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài.

Trong thời gian tới, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài xem Sở là đối tác trong thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, các bên phối hợp mở ra nhiều cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài để lắng nghe và cùng nhau giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động, cũng như đặt nền móng xây dựng kênh trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các Văn phòng đại diên thương nhân nước ngoài.

Hơn thế nữa, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch tổ chức các buổi gặp gỡ, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các nhóm Văn phòng đại diện theo từng chủ đề riêng biệt.

Điển hình, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào vấn đề xúc tiến thương mại, đầu tư theo từng nhóm thị trường, nhóm hàng hóa (hữu hình lẫn vô hình) để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy hợp tác phát triển ở một số lĩnh vực như kinh tế số, thương mại điện tử, logistics, công nghiệp...

[Kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025]

Hiện nay, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh thông tin minh bạch trên trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời, nhiều quy trình thủ tục hành chính của ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều sở, ngành khác trên địa bàn thành phố nói chung đã triển khai theo phương thức điện tử để phục vụ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thương nhân, nhà đầu tư nước ngoài ảnh 2Đại diện các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Thông qua phương thức điện tử, Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài không chỉ có thể kết nối thuận lợi với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như đa dạng sở, ngành trên địa bàn thành phố.

Chính sách ưu đãi hấp dẫn

Tại hội nghị, đại diện Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện tại đơn vị này đã áp dụng phương thức khai và nộp hồ sơ theo phương thức điện tử.

Cụ thể, căn cứ theo Công văn hướng dẫn số 1375/CTTPHCM-KK ngày 22/02/2022 của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh về việc người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử tới người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại tại trang thông tin điện tử Tổng Cục Thuế: https://thuedientu.gdt.gov.vn; khai qua ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp nộp hồ sơ theo phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số bằng cách truy cập vào Cổng thông tin điện tử https://thuedientu.gdt.gov.vn để gửi dữ liệu cho cơ quan thuế.

Để hạn chế sai sót trong việc khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích người nộp thuế nghiên cứu tài liệu hướng dẫn trên Website, Fanpage FB, kênh Youtube của Cục thuế.

Người nộp thuế cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, xác định chính xác nơi nộp hồ sơ quyết toán, cung cấp các thông tin về địa chỉ email, số điện thoại trên tờ khai để cơ quan thuế kịp thời liên lạc với người nộp thuế khi cần thiết.

Liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư của thành phố, ông Phạm Tuấn Anh, Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính sách ưu đãi đầu của Thành phố Hồ Chí Minh không nằm ngoài mục tiêu thu hút vốn vào một địa bàn, ngành, lĩnh vực.

Mặt khác, khuyến khích những hoạt động có định hướng như đào tạo lao động, sử dụng nguồn cung ứng địa phương, R&D, xuất khẩu; trong đó, chính sách ưu đãi đầu tư sẽ tập trung vào cơ chế chính sách thuế thư nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất/thuê đất, khấu hao nhanh, tăng chi phí được trừ...

Thống kê tổng vốn đầu tư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I/2022 thực hiện là 74.838 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tình hình dịch COVID-19 đã có sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại; trong đó, một số ngành năm 2021 có vốn đầu tư âm, nay tăng trưởng dương như ngành thương mại, khách sạn nhà hàng-dịch vụ ăn uống, du lịch và các dịch vụ khác.

Riêng từ ngày 1/1-20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố Hồ Chí Minh là 406,6 triệu USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 40,1% so với cùng kỳ; trong đó, cấp mới có 127 dự án với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD, giảm 12,8% về vốn so với cùng kỳ. Đặc biệt, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có số vốn đăng ký chiếm 74,4% tổng vốn cấp mới.

Tính đến ngày 20/3/2022, số dự án đề nghị chấm dứt hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 43 dự án, với vốn đầu tư 54,84 triệu USD. Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố đến ngày 20/3/2022 là 10.533 dự án với vốn đăng ký là 52,89 tỷ USD (gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.