Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để phát triển vận tải đường thủy. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ trong đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa khiến việc kết nối với các loại vận tải khác bị ảnh hưởng. Việc tháo gỡ “nút thắt” này sẽ giúp khu vực phát triển mạnh.
Nội dung trên được nêu ra tại Diễn đàn chuyên đề ''Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long," do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 18/6. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự diễn đàn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện vận tải đường sông được xác định là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.053km tuyến đường thủy nội địa trung ương được nâng cấp đạt cấp 2-3. Các tuyến đường thủy nội địa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 3 (riêng 28,5km kênh Chợ Gạo mới được nâng cấp giai đoạn 1 đạt cấp 2), cho tàu có tải trọng 800-1.000 tấn lợi dụng thủy triều để lưu thông.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt cần được tháo gỡ; khoang thông thuyền một số cầu chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch như cầu Măng Thít, cầu Chợ Lách 1, cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai… làm hạn chế cỡ tàu thông qua; đặc biệt chỉ cho thông qua tàu chở container đến 2 lớp. Điều này làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh.
Trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng. Việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu để đảm bảo thông suốt giữa các tỉnh trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.
Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho rằng, cần phải chú trọng quan tâm, khai thác hệ thống đường thủy kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại hình vận tải có lợi thế của các địa phương trong vùng, do chi phí vận tải thấp, vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, là giải pháp quan trọng để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.
Theo quy hoạch, sẽ hình thành các tuyến kênh chính kết nối Thành phố Hồ Chí Minh (Đông Nam Bộ) với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như tuyến Cửa Tiểu-Campuchia (cấp 1); cửa Định An qua Tân Châu (cấp 1); Sài Gòn-Cà Mau qua kênh Xà No (cấp 3); Sài Gòn Kiên Lương qua kênh Lấp Vò (cấp 3). Ngoài ra còn nhiều tuyến khác kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
[Tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long]
Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, luồng tuyến giao thông thủy dày đặc nhưng không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu như chưa hình thành.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội cảng, đường thủy và thềm lục địa Việt Nam, một số tuyến chưa đồng bộ, vẫn còn một số điểm nghẽn, khiến ảnh hưởng đến hoạt động của giao thông thủy. Dự án đường thủy đầu tư không đáng kể, không giải quyết được ách tắc trên tuyến trong những năm vừa qua. Trong khi đó, quỹ đầu tư cho sửa chữa, cải tạo cho giao thông thủy tăng nhanh nhưng do điểm xuất phát thấp nên cũng không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu.
Đối với tuyến kênh Chợ Gạo, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế nên mới đầu tư giai đoạn một, các đoạn bờ kênh chưa được kè bảo vệ, xuất hiện tình trạng sạt lở, gây bồi lắng luồng. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chấp thuận bố trí 1.337 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn hai.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistic khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, dự kiến khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025. Tập trung nguồn lực cải tạo khoang thông thuyền các cầu Nàng Hai (Đồng Tháp), cầu Chợ Lách 2 (Bến Tre)… trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng, tháo gỡ các nút thắt về vận tải đường thủy nội địa trong vùng.
Kết luận diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, vận tải đường thủy vẫn xác định là rất quan trọng trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó việc đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có giải pháp huy động và phát triển giao thông thủy tốt nhất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, sẽ hình thành các tập đoàn, công ty lớn về vận tải thủy, nâng cao một số cây cầu có độ tĩnh không thấp, nạo vét mở rộng các luồng kênh quan trọng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, việc thiếu kết nối hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực. Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị, đề xuất các giải pháp ưu tiên phát triển hạ tầng các trục dọc lớn như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, phát triển Quốc lộ 60… Các trục dọc này khi hoàn thành, cùng với Quốc lộ 1 sẽ tạo kết nối với cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Đối với việc nối thông tuyến tuyến hành lang phía Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Đại Ngãi bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản; kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và nâng cấp Quốc lộ 60 qua địa phận tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 50 trên địa bàn thành phố đến giáp tỉnh Long An (dài 8,5km) để kết nối với tuyến Quốc lộ 50 qua tỉnh Long An, Tiền Giang đã được đầu tư./.