Ngày 18/9, theo thông tin từ Bệnh viện E, các bác sỹ Khoa Tim mạch trẻ em, (Trung tâm tim mạch) đã triển khai thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da, không cần mổ mở, cho một bệnh nhân nhi (14 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot.
Các bác sỹ thực hiện thành công kỹ thuật khó này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là trẻ em mắc các bệnh tim bẩm sinh có khả năng hồi phục nhanh, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.
[Khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch]
Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot và đã phẫu thuật sửa toàn bộ tại một bệnh viện tuyến trung ương lúc 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, gần đây, các bác sỹ phát hiện cháu bé bị hở van động mạch phổi gây suy thất phải.
Theo các bác sỹ, đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng fallot. Vì vậy, các bác sỹ đã chỉ định thay van động mạch phổi qua da cho người bệnh nhi này.
Tiến sỹ Trần Đắc Đại - Trưởng khoa Tim mạch trẻ em cho biết thông thường đối với các trường hợp mắc bệnh này tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện E nói riêng, các bác sỹ hay lựa chọn mổ cưa xương ngực và thay ống van động mạch phổi nhân tạo cho người bệnh. Người bệnh phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như phải gây mê hồi sức, cưa xương ức, liệt tim… và cắt thân động mạch phổi, khoét phễu thất phải để thay conduite động mạch phổi. Người bệnh đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm như nhiễm trùng, rối loạn chức năng tim, hẹp các miệng nối và những nguy cơ của chạy máy tim phổi nhân tạo…
Nhưng đối với bệnh nhi này, thay vì mở lồng ngực để thay van động mạch phổi có mức độ xâm lấn lớn, nguy cơ biến chứng như trên, các bác sỹ quyết định lựa chọn thực hiện can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho người bệnh. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là người bệnh không trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm, không phải cưa xương ức thêm lần nữa và không gây liệt tim, không phải chạy máy tim phổi nhân tạo…
Tiến sỹ Trần Đắc Đại giải thích về phương thức thực hiện ca can thiệp này, các bác sỹ chỉ mở vào đường tĩnh mạch đùi rồi luồn ống thông lên tĩnh mạch chủ dưới đến nhĩ phải, xuống thất phải và lên động mạch phổi. Các bác sỹ thực hiện các thao tác để lựa chọn kích cỡ van động mạch phổi phù hợp. Sau đó, bác sỹ đưa van động mạch phổi nhân tạo qua đường ống thông từ tĩnh mạch đùi lên động mạch phổi và tiến hành thả van động mạch phổi nằm trong thân động mạch phổi nguyên bản của người bệnh. Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sỹ đưa dụng cụ đến vị trí thích hợp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.
Quá trình thực hiện kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da đã có một ekip phẫu thuật tim mạch chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu để xử trí kịp thời những biến chứng nếu có.
Sau can thiệp 2 giờ, người bệnh tỉnh và sức khỏe ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau.
Bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày, tái khám sau xuất viện một tuần. Hiện người bệnh đã hồi phục sức khỏe, hết khó thở, hết mệt mỏi khi gắng sức và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường.
Theo bác sỹ Trần Đắc Đại, hiện tại có rất nhiều người bệnh nhi có chỉ định thay van động mạch phổi sau phẫu thuật tim bẩm sinh. Việc áp dụng thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da giúp người bệnh có thêm lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao./.