Thêm doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngừng giao dịch cổ phiếu

Kaisa Group tạm ngừng giao dịch cổ phiếu tại Hong Kong làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở tập đoàn này khi phải đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỷ USD.
Thêm doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngừng giao dịch cổ phiếu ảnh 1Một khu nhà của Kaisa Group. (Nguồn: Getty Images)

Tập đoàn phát triển bất động sản Kaisa Group của Trung Quốc ngày 5/11 tạm ngừng giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).

Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở tập đoàn này khi phải đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỷ USD, giữa bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực căng thẳng về nợ.

Thông báo trên được Kaisa đưa ra khi cuộc khủng hoảng thanh khoản đang diễn ra tại một trong những tập đoàn phát triển bất động lớn nhất của Trung Quốc Evergrande, vốn thu hút sự chú ý của giới đầu tư đối với ngành bất động sản của nước này.

Cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản khiến giới đầu tư dấy lên lo ngại về đợt suy thoái kinh tế trên diện rộng, giữa bối cảnh Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường bất động sản và kiềm chế giá nhà đất tăng “phi mã” ở nước này.

[Tập đoàn Evergrande lần thứ hai tránh được tình trạng vỡ nợ]

Mới đây, các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch và S&P của Mỹ hạ mức xếp hạng tín nhiệm Kaisa với lý do về những rủi ro tài chính.

Theo Fitch, việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Kaisa là do “khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế và sự không chắc chắn đối với việc thanh toán một lượng lớn trái phiếu đến kỳ hạn bằng đồng USD và trả lãi."

Kaisa,một trong số 27 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (theo doanh số), cũng là một trong số những nhà phát triển bất động sản vay nợ bằng đồng USD lớn nhất với khoản nợ trái phiếu hơn 11 tỷ USD.

Những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang tác động xấu lên quyết tâm của chính phủ trong việc tiến hành cải cách để kiềm chế tình trạng nợ "tràn lan" của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.