Ngày 14/8, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, địa phương vừa có thêm một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Bệnh nhân tử vong là Nguyễn Thị Mừng (82 tuổi, ngụ xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần). Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 27/7, bà Nguyễn Thị Mừng khởi bệnh với triệu chứng sốt cao, bí tiểu. Ngày 30/7, bà Mừng nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh với chẩn đoán ban đầu viêm phổi, nhồi máu cơ tim.
Đến ngày 9/8, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà và bà Mừng tử vong chiều cùng ngày. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Nguyễn Thị Mừng dương tính với cúm A/H1N1.
[Trà Vinh: Một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1]
Ông Nguyễn Văn Lơ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh, cho biết những ngày qua, đơn vị phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phun hóa chất Cloramin B tại nhà bệnh nhân và cấp hóa chất Cloramin B, xà phòng cho những hộ xung quanh, hướng dẫn cách pha hóa chất khử trùng đồ vật trong nhà. Đồng thời, vận động người dân vệ sinh các đồ vật trong nhà hàng ngày bằng các hóa chất thông thường, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi cúm.
Nhân viên y tế đã lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tư vấn dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh cúm như sốt, ho, đau họng, khó thở... cần báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện đa khoa Trà Vinh lập danh sách các cán bộ y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân và theo dõi tình hình sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu phát hiện triệu chứng nghi cúm phải cách ly điều trị.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết toàn tỉnh đã phát hiện bốn trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, trong đó hai trường hợp đã tử vong đều ngụ tại huyện Tiểu Cần.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1, ngành y tế tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin về phòng, chống và điều trị bệnh cúm A/H1N1, vận động người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
Các cơ sở y tế tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc cúm A/H1N1 ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu để hướng dẫn vào buồng khám bệnh truyền nhiễm, bố trí cách ly trong khu nội trú, không để lây nhiễm chéo; xây dựng quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người mắc bệnh cúm, đặc biệt chú ý các đối tượng người già, trẻ em, và người mắc bệnh mãn tính.
Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư cần thiết để điều trị cúm A/H1N1. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý khu kinh tế đẩy mạnh việc tuyên truyền đến học sinh, công nhân để nâng cao hiểu biết, sớm phát hiện người mắc cúm, cách ly điều trị, ngăn không để bệnh lây lan rộng./.