Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, từ 18 giờ ngày 22/12 đến 18 giờ ngày 23/12, tỉnh ghi nhận 51 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới mới, trong đó có 17 ca đã được cách ly, kiểm soát; 34 ca trong cộng đồng.
Như vậy, từ ngày 14/10 đến tối 23/12, toàn tỉnh ghi nhận 2.573 ca mắc COVID-19. Tỉnh còn 12 vùng phong tỏa với 722 hộ gia đình và 2.984 nhân khẩu.
Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch bệnh với tất cả 13 huyện, thị xã , thành phố ở cấp độ 1. Tỉnh có 3 xã ở cấp độ 3; 12 xã ở cấp độ 2 và 210 xã (phường, thị trấn) còn lại ở cấp độ 1.
Hiện, Phú Thọ có 982.586 người trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (chiếm 97,2%), trong đó có 969.838 người đã được tiêm đủ 2 mũi; hơn 124.184 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi (chiếm 96,6%). Phú Thọ đã có gần 2.190 người được điều trị khỏi và ra viện, 9 ca tử vong.
Để chủ động ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm phòng; giao nhiệm vụ cho chính quyền cơ sở, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản đến tận gia đình động viên, tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia tiêm.
Sở Y tế cần đa dạng hóa các hình thức tiêm, đảm bảo thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể. Sở Y tế đề nghị Sở Công thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...
[Phú Thọ: Còn 11 vùng phong tỏa với 801 hộ gia đình do dịch COVID-19]
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 23/12 tại Nghệ An phát hiện 74 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 42 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng, 24 trường hợp là F1, 8 trường hợp từ các tỉnh khác trở về.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 23/12, Nghệ An phát hiện 6.984 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là ở thành phố Vinh với 1.099 ca.
Tỉnh có 5.679 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh ra viện; 33 bệnh nhân tử vong.
Tại Nghệ An, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với việc liên tục phát hiện thêm các trường hợp dương tính trong cộng đồng, khu vực phong tỏa, bệnh viện, trường học, trong đó có những địa phương cấp xã, sau một thời gian dài khống chế được dịch thì nay lại phát hiện nhiều trường hợp dương tính trong cùng một thời điểm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch và để phù hợp với tình hình mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đang quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo, điều chỉnh, đưa ra các giải pháp mới trong phòng, chống dịch.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào các tiêu chí Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành để tổ chức đánh giá, xác định cấp độ dịch đối với từng khu vực theo quy mô cấp xã và dưới cấp xã; công bố, cập nhật kịp thời lên cổng thông tin COVID-19 của tỉnh.
Về công tác xét nghiệm, tỉnh Nghệ An có quy định cụ thể đối với địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, trong đó có việc xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị… và các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người) như lái xe, người chạy xe môtô chở khách, người giao hàng hóa… do cơ quan y tế thực hiện.
Riêng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tỉnh không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19, một số địa phương trong tỉnh cũng thành lập điểm tiêm vaccine COVID-19 thường xuyên trên địa bàn.
Đơn cử, huyện Nghi Lộc đã thành lập một điểm tiêm cố định thường xuyên tại Trung tâm Y tế huyện để tiếp nhận và triển khai tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn toàn huyện, đáp ứng việc tiêm các mũi vaccine theo quy định.
Huyện miền núi Kỳ Sơn cũng quyết định thành lập và kích hoạt Trạm y tế lưu động số 2 tại Trường Trung học cơ sở Dân tộc bán trú Chiêu Lưu với quy mô 100 giường bệnh theo phương châm "4 tại chỗ" để đáp ứng nhu cầu thu dung, sàng lọc, cách ly, chăm sóc và điều trị các trường hợp dương tính tại địa phương./.