Thi công lắp đặt ray tàu cho Đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ quây rào di động ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau để cẩu ray tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội, thời gian thi công từ 20/2 đến 30/7/2019.
Thi công lắp đặt ray tàu cho Đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Hải/Vietnam+)

Sở Giao thông vận tải Hà Nội chấp thuận đề nghị của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) về việc quây rào di động vào ban đêm để cẩu ray thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội. Thời gian thi công từ ngày 20/2 đến hết 30/7/2019.

Theo đó, vị trí rào quây rào di động để cẩu vật tư gồm đoạn từ trụ P19-P21 (gần ga S1 ) trên đường cầu Diễn; đoạn từ trụ P170-P173 trên đường Hồ Tùng Mậu (gần ngã tư Hồ Tùng Mậu-Nguyễn Đổng Chi).

Thời gian quây rào di động sẽ bắt đầu vào ban đêm từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau rào chắn di động để cẩu ray, vị trí xe cẩu sẽ đỗ mép dải phân cách giữa tại vị trí cẩu và được quây xung quanh bằng hàng rào di động với chiều dài khoảng 90m, chiều rộng lòng đường còn lại tối thiểu 7m cho mỗi chiều đường; trang thiết bị phải được tập kết đúng vị trí, không để ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị.

[Sẽ dùng robot đào hầm dự án metro Nhổn-ga Hà Nội vào cuối 2019]

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu hàng rào di động phải chắc chắn, đảm bảo an toàn lao động và an toàn giao thông; hệ thống biển báo giao thông, biển báo công trường bố trí trước khu vực thi công khoảng 100m, mặt đường xe chạy được thu hẹp dần bằng hàng rào chóp nón kết hợp với dây phản quang và đèn quay trên chiều dài khoảng 30-50m.

Trong quá trình thi công, MRB phải bố trí đầy đủ hệ thống biển báo giao thông, biển báo công trường, đèn quay (đèn báo hiệu) theo quy định đồng thời bố trí người để hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông khu vực thi công.

Đặc biệt, xe vận chuyển và xe cẩu vào công trường phải được kiểm định kỹ thuật an toàn theo các quy định hiện hành; công suất của xe cẩu phải được tính toán và chọn lựa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho quá trình cẩu từng loại vật tư.

Trong quá trình triển khai thi công, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nhà thầu thi công cần phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để phân luồng, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông tại khu vực thi công.

Trước đó, theo đại diện MRB, dự kiến tháng Bảy tới đây sẽ đưa robot đào hầm về nước và theo kế hoạch cuối năm 2019 có thể bắt đầu vào đào hầm dự án metro Nhổn-ga Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, dài 12,5km, có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.

Dự án được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017, tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng. Sau đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các nhà thầu hoàn thiện dự án vào năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục