Ngay sau khi Hà Nội lên kế hoạch xem xét thí điểm cấm các phương tiện lưu thông quanh hồ Hoàn Kiếm trong một tháng và mở rộng thêm không gian một số tuyến phố đi bộ, nhiều người dân đều đồng tình song cũng vẫn có những băn khoăn.
Tốt, nhưng chưa đủ
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành Hà Nội đã ban hành thông báo đánh giá 3 năm tổ chức triển khai thí điểm không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tại văn bản này, UBND Thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải xem xét thí điểm cấm các phương tiện lưu thông quanh hồ Hoàn Kiếm trong một tháng, mở rộng thêm không gian một số tuyến phố đi bộ nhằm tìm giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô.
Tuy nhiên, văn bản của thành phố không cho biết chủ trương thí điểm cấm phương tiện trong một tháng sẽ áp dụng 24/24 giờ hay chỉ trong một khung giờ nhất định.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều người dân đồng tình với chủ trương của Thành phố song cho rằng cần có các phương án cụ thể hơn trong việc phân luồng giao thông cũng như bố trí các điểm trông giữ xe.
Là người thường xuyên cho con nhỏ lên khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm vào mỗi dịp cuối tuần, theo chị Phạm Thị Ngọc Trâm (Hà Đông-Hà Nội), tuyến phố đi bộ thì nên được sử dụng hoàn toàn cho người đi bộ. Vì vậy, việc thí điểm cấm xe lưu thông trên tuyến phố đi bộ một tháng sẽ có thêm không gian vui chơi, giải trí cho người dân trong khu vực, nếu được áp dụng lâu dài có thể cải thiện môi trường Thủ đô.
[Hà Nội: Hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ ở phố cổ]
Cho rằng kế hoạch cấm xe quanh hồ Gươm là một bài toán thử nghiệm về văn hóa giao thông đi bộ, chị Trâm nhìn nhận do khu vực phố cổ được quy hoạch từ thời Pháp theo cấu trúc đường phố hình bàn cờ nên việc cấm xe lưu thông cũng không gây bất tiện. Thế nhưng, theo chị Trâm, để mang lại hiệu quả như mong muốn thì các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể hơn.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá việc Hà Nội thí điểm cấm ôtô, xe máy quanh hồ Gươm trong một tháng có giảm áp lực hay gia tăng ùn tắc giao thông ở các tuyến phố xung quanh. Chưa kể, chỗ gửi xe cần phải được quy hoạch, mở thêm các điểm trông giữ xe đáp ứng nhu cầu của người dân,” chị Trâm bày tỏ.
Bà Tâm (54 tuổi) chuyên kinh doanh mặt hàng đồ lưu niệm trên phố Đinh Tiên Hoàng cũng thừa nhận kế hoạch trên là điều kiện tốt giúp phát triển kinh doanh khi lượng khách du lịch sẽ ghé thăm khu vực này nhiều hơn, thay vì chỉ vào cuối tuần như hiện tại.
“Ngày thường cửa hàng không có mấy khách đến, cuối tuần có phố đi bộ mới có nhiều khách du lịch đi ghé cửa hàng xem mua đồ và cải thiện thêm thu nhập,” bà Tâm cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Tuấn (phường Hàng Bạc-Hà Nội) cũng cho hay nếu kế hoạch thí điểm thành hiện thực sẽ khiến việc sinh hoạt của gia đình anh trở nên khá bất tiện.
“Hiện nay mới chỉ cấm xe 3 ngày cuối tuần, gia đình đã khá vất vả trong việc dắt bộ xe từ Cầu Gỗ để vào Lò Sũ. Nếu được triển khai trong một tháng sẽ khiến việc di chuyển của gia đình và những hộ dân trong vùng thí điểm mở rộng không gian đi bộ gặp nhiều khó khăn hơn,” anh Tuấn nói.
Ở góc độ chuyên môn, ông Trần Hữu Minh-Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại không đánh giá cao các giải pháp không bền vững bằng cách thí điểm một tháng, một tuần... Bởi theo ông, cơ quan Nhà nước làm sao phải xây dựng cơ chế cả xã hội, cộng đồng vẫn vận hành được mà không phải gồng mình lên như gửi xe, đảo lộn cuộc sống sinh hoạt.
Sẽ có phương án trong tháng 10
Về chủ trương cấm các phương tiện đi vào không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trong vòng một tháng, ông Vũ Văn Viện-Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết đơn vị này đang phối hợp với Công an thành phố, quận Hoàn Kiếm tiến hành khảo sát cụ thể về luồng tuyến, bãi đỗ xe xung quanh khu vực phố đi bộ để lên phương án thí điểm cấm xe trong 1 tháng nhằm tìm giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô.
“Trong tháng 10/2019, Sở sẽ báo cáo phương án cấm phương tiện giao thông đi vào không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để thành phố quyết định,” ông Viện nói.
Theo ông Trần Hữu Minh-Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khu vực không gian lõi trung tâm đô thị thương mại nên hình thành khu vực đi bộ. Trên thế giới có những khu tập trung chỉ văn phòng công sở, trung tâm thương mại... diện tích không rộng nhưng hoàn toàn đi bộ, đỗ xe khu vực xung quanh nên khi cấm phương tiện sẽ rất dễ dàng.
“Việt Nam quy hoạch dàn trải và không rõ định hình trung tâm thương mại ở đâu nên nếu nhìn khu thương mại thì có ở tất cả cả các nơi. Khu vực dân cư người dân sinh sống đan xen tất cả không gian, đây là đặc thù tại Việt Nam và một số quốc gia phát triển quy hoạch giao thông chưa được tốt,” ông Minh thừa nhận.
Để mở rộng không gian đi bộ mà không vấp phải sự phản ứng, vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra khuyến cáo phải tính đến nhu cầu người dân không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày, các hoạt động kinh doanh thương mại ở khu vực cấm phương tiện, bởi nếu cấm thế người ta đi bằng gì?
[Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm - Nơi hội nhập văn hóa trong, ngoài nước]
“Phương án tổ chức giao thông cực kỳ quan trọng, làm sao đảm bảo được phân tách không gian cho người đi bộ đồng thời kiểm soát tốc độ dòng giao thông cơ giới. Chỉ cần ưu tiên không gian đi bộ khoảng 50% công suất hệ thống không gian đường của các tuyến phố đó, còn lại dành cho đỗ xe. Những tuyến đường đó từ 2 chiều sẽ thành một chiều, giao thông vẫn tiếp cận được trong khi người đi bộ dễ dàng kiểm soát tốc độ dòng giao thông đây là phương án khả thi và tốt nhất nhưng vẫn hấp dẫn khách du lịch,” ông Minh đưa ra giải pháp.
Mặt khác, cũng theo ông Minh, người đi bộ không được vì vỉa hè bị chiếm dụng hết, nên việc đầu tiên là cần sắp xếp lại phần đường phải dành ít nhất 3m để có chỗ cho người đi bộ, đỗ xe thay bằng việc cấm một cách miễn cưỡng như hiện nay vào các ngày cuối tuần để các tuyến phố khu vực xung quanh có thể liên kết với nhau.
Nhấn mạnh đây là chủ trương hợp lý, dưới góc độ chuyên gia, giáo sư-tiến sỹ Từ Sỹ Sùa-Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng bất kỳ thành phố nào cũng có phố đi bộ có thể 1 tuyến hoặc liên tuyến theo một giới hạn không gian nào đó nhưng rộng bao nhiêu bởi đi bộ nghĩa là không có vỉa hè. Những người sống trong khu vực cấm phương tiện cơ giới thì sẽ khó khăn nhất định nhưng số lượng này không phải nhiều.
“Trước khi có kế hoạch, Hà Nội cần có hội nghị tổng kết những vấn đề trật tự an toàn giao thông, kinh tế, du lịch… rồi điều tra xã hội học nhiều đối tượng về khu vực mở rộng để tránh làm luôn sẽ xảy ra hệ lụy,” ông Sùa kiến nghị./.