Thị trường bất động sản cao cấp Việt Nam "hấp dẫn ở châu Á"?

Mansionglobal đăng bài viết cho rằng thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam đang ngày càng hút khách đầu tư trong và ngoài nước, nhưng Việt Nam cần thận trọng với bong bóng bất động sản.
Thị trường bất động sản cao cấp Việt Nam "hấp dẫn ở châu Á"? ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Hãng tin mansionglobal.com ngày 15/7 đã đăng bài viết cho rằng thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam đang ngày càng hút khách đầu tư trong và ngoài nước, nhưng Việt Nam cần thận trọng với bong bóng bất động sản.

Sự sôi động này phản ánh một nền kinh tế đang bùng nổ với tăng trưởng GDP ở mức cao nhất một thập niên qua, 7,38% trong quý đầu tiên năm 2018.

Tại Hà Nội, các mảnh đất ở Starlake City, một dự án hàng triệu USD với các biệt thự hạng sang, các căn hộ ven hồ, trường học quốc tế và tòa tháp văn phòng, được bán hết chỉ trong vài ngày.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Serenity Sky Villas với các căn penhouse được rao bán với giá 60,84 tỷ đồng (2,64 triệu USD), với thang máy riêng, hệ thống chiếu sáng và nội thất được thiết kế riêng. Mỗi căn đều có bể bơi riêng trên sân thượng.

Gần đó, tòa tháp cao cấp của khu Feliz en Vista-34 tầng, bao gồm biệt thự sân vườn, căn hộ hai tầng áp mái-quảng cáo có tiện nghi 5 sao như sảnh VIP, quầy bar hút xì gà, hồ bơi nước mặn, bể sục nước nóng, và rạp chiếu phim.

[TP.HCM: Bất động sản Quận 2 “bứt tốc” nhờ hạ tầng đồng bộ]

Stephen Wyatt, quản l‎ý của Jones Lang LaSalle cho biết thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam hình thành trong 3-4 năm qua. Những thay đổi trong Luật Đầu tư nước ngoài cho phép người nước ngoài có thể có hợp đồng thuê dài hạn và mua bất động sản dễ dàng hơn.

Người nước ngoài hiện được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam tối đa 50 năm. Ngoài ra, họ được phép bán tới 30% số căn hộ trong một tòa nhà chung cư và 10% quyền sở hữu đất trong một khu dân cư cho người nước ngoài.

Giá một m2 đất tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện gần 12,84 triệu đồng (557 USD), tăng từ mức trung bình 9,64 triệu đồng (418 USD) chỉ 2 năm trước.

Thị trường bất động sản “nóng” không kém ở các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, các thị trấn ven biển như Hồ Tràm, hay đảo Phú Quốc.

Lý do là các nơi này tập trung các sân golf đẳng cấp thế giới, khu du lịch và cơ sở hạ tầng phát triển. Ví dụ như biệt thự ba phòng ngủ trên đỉnh đồi tại Banyan Tree Lăng Cô trị giá 29,5 tỷ đồng (1,28 triệu USD), gần sân bay Đà Nẵng, nhìn ra biển, có hồ bơi riêng, và được trang trí bằng nội thất lấy cảm hứng địa phương.

Thị trường bất động sản cao cấp Việt Nam "hấp dẫn ở châu Á"? ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Ông David Blackhall, Giám đốc điều hành tại Vinacapital phát biểu trên Mansion Global rằng, số lượng người nước ngoài mua căn hộ cao cấp tại Việt Nam tiếp tục tăng, đặc biệt khi hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng, hoàn thành.

Tầng lớp doanh nhân trẻ, giàu có, năng động của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, tạo thêm nhu cầu bán lại và cho thuê bất động sản cao cấp.

[Chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Các nhà đầu tư đã không bỏ qua điều này. Trong tháng 5, Vinhomes đã huy động được 31,1 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ (1,35 tỷ USD) trong đợt chào bán cổ phần đầu tiên - con số lớn nhất tới nay tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Vinhomes, sở hữu khoảng một nửa số căn hộ cao cấp tại Việt Nam, dự kiến sẽ đạt 105 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) từ các hợp đồng bán căn hộ vào cuối năm nay.

Theo Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội (quản lý khoảng 10.000 căn hộ tại thủ đô), nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm cách thâm nhập vào thị trường bất động sản cao cấp Việt Nam.

Hồi tháng Năm, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) của Hong Kong có bài nhận định giá nhà ở Việt Nam vẫn rẻ so với Singapore và Thái Lan, vì vậy các nhà đầu tư Hong Kong và Trung Quốc rất quan tâm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện giá lên tới 115,3 triệu đồng/m2 (5.000 USD) đối với căn hộ cao cấp gần trung tâm, nhưng ở Hong Kong đắt hơn nhiều.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế-tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định hiện tượng bong bóng bất động sản đang hình thành tại một số địa điểm và chỉ chực chờ các hiện tượng khác của nền kinh tế là vỡ ra. Ông nói: “Bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019.” 

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, giá bất động sản tại nhiều nơi đã tăng 100% và vẫn đang trên đà tăng là hiện tượng rất đáng lo. Ông Hiếu cũng cho rằng dù phân khúc đất nền đã giảm nhiệt sau khi dự luật đặc khu được hoãn thông qua hồi tháng 5/2018, nhưng vẫn còn rất cao ở nhiều nơi.

Trong bối cảnh bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng: “Tại nhiều địa điểm, giá bất động sản đã tăng 100%. Đây là hiện tượng rất đáng lo. Tại Việt Nam, giá tăng từ 5-10% là thường, tăng từ 10-30% là cao, tăng từ 30-50% là rất cao, tăng từ 50 -100% là quá cao và tăng từ 100% là có hiện tượng bong bóng. Bong bóng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào.” 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ở Việt Nam không gặp bong bóng bất động sản mà chỉ xuất hiện tình trạng đóng băng-thị trường không giao dịch, giá bất động sản có thể không rớt nhiều nhưng nhà đầu tư muốn bán mà không bán được.

Ông nói: “Điều này nguy hiểm ở chỗ, khi ngân hàng cần thu hồi nợ, để có tiền trả nợ, nhà đầu tư phải bán được nhà đất, nhưng vì không có ai mua nên cuối cùng nợ đó trở thành nợ xấu. Người nợ thì cứ chây ì, hai bên đành phải chờ pháp luật xử lý. Nhưng thời gian để bán được một căn nhà thu nợ tại Việt Nam ít nhất phải 1 năm."

"Bên cạnh đó, bong bóng bất động sản thì có người thắng, người thua, thị trường phục hồi nhanh, còn thị trường đóng băng thì cứ nằm hoài như thế. Thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng trong giai đoạn 2010-2015, trong ngần ấy năm, nhà đầu tư nào vay ngân hàng 30% vốn đầu tư cộng với lãi suất thì coi như mất trắng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.