Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu cao cho phân khúc căn hộ dịch vụ chất lượng cao dành cho nhóm chuyên gia nước ngoài.
Đây là một trong những yếu tố để các chuyên gia đưa ra dự báo, tiềm năng tăng trưởng của căn hộ dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Đức, người có nhiều năm kinh nghiệm môi giới bất động sản nhận xét: Hiện nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ đang tăng cao do lượng khách du lịch dài hạn cũng như chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc nhiều hơn.
"Phần lớn chuyên gia nước ngoài thích lựa chọn thuê căn hộ dịch vụ do đáp ứng được nhiều tiện ích, vừa như một căn hộ, vừa có đủ dịch vụ giặt ủi, ăn uống, dọn phòng, chưa kể giá thuê cũng rẻ hơn ở khách sạn.... Chính vì vậy, giá thuê cũng liên tục tăng qua các năm," ông Đức phân tích.
Có thể thấy, căn hộ dịch vụ đang hội tụ đủ các yếu tố để bước vào giai đoạn "thu hoạch," mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có ý định rót tiền vào phân khúc này. Nhất là trong khi đang có đà tăng giá “kép” từ giá cho thuê và giá trị tài sản tăng nhưng nguồn cung căn hộ dịch vụ được dự báo vẫn còn khá hạn chế trong thời gian tới.
Khảo sát mới đây của Công ty Savills Việt Nam cũng cho thấy, không chỉ riêng Hà Nội là địa điểm được khách hàng lựa chọn mà xu hướng phát triển căn hộ dịch vụ bắt đầu chuyển dịch sang các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ được đánh giá là khá đa dạng và đã thúc đẩy các dự án ở nhiều phân khúc khác nhau, phục vụ nhiều tệp khách hàng khác nhau.
Tuy nhiên, điểm chung được ghi nhận là có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhu cầu về căn hộ dịch vụ và dòng vốn FDI rót vào Việt Nam đang gia tăng. Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây đã thúc đẩy nhu cầu cao cho phân khúc căn hộ dịch vụ chất lượng cao dành cho nhóm chuyên gia nước ngoài, nhất là trong 3-4 năm trở lại đây.
Ông Troy Griffiths phân tích: Việt Nam từng là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài nhờ có chi phí cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, yếu tố. Giờ đây, FDI đã chuyển sang tập trung vào dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong ngành điện tử. Điều này mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Đáng chú ý, khi đó sẽ có càng nhiều quản lý nước ngoài đến làm việc và nhu cầu sử dụng căn hộ dịch vụ vì thế cũng càng gia tăng.
Phân tích thị trường của Savills về xu hướng tăng trưởng giữa hai thành phố lớn nhất cả nước cho thấy, tại Hà Nội, căn hộ dịch vụ chủ yếu nằm ở hai phân khúc hạng A và B.
Lý giải về nhu cầu của phân khúc này hiện đang mở rộng ra các khu vực lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, các chuyên gia cho rằng, đó là nhờ vào sự phát triển hạ tầng kết nối giữa Hà Nội và các thành phố này.
Dự kiến, thời gian tới sẽ có khoảng 2.000 căn hộ dịch vụ mới từ Tập đoàn Sun Group sắp ra mắt tại Hà Nội, chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ tại thị trường này.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về căn hộ dịch vụ đa dạng hơn với nhiều dự án phân khúc hạng C. Nhóm khách thuê căn hộ dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mức thu nhập, gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau tạo ra nhiều nhu cầu đa dạng.
Chính điều này tạo ra sự khác biệt giữa thị trường căn hộ dịch vụ ở hai đô thị lớn này. Thêm một điểm cộng cho loại hình căn hộ dịch vụ chính là tình hình hoạt động ổn định. Bởi ngày cả giai đoạn khó khăn như khi xảy ra dịch COVID-19 thì thị trường căn hộ dịch vụ vẫn hoạt động tốt. Tại Hà Nội, giá cả và hiệu suất gần như không bị ảnh hưởng. Còn Thành phố Hồ Chí Minh có giảm nhẹ nhưng hiện đã phục hồi rất tốt.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với nhu cầu cao về chỗ ở giá cả phải chăng, loại căn studio và một phòng ngủ luôn được lựa chọn.
Trong 5 năm qua, Savills ghi nhận 1.849 căn hộ từ 48 dự án hạng B và C mới. Các chủ đầu tư tập trung vào phát triển các căn hộ studio và một phòng ngủ với 85% thị phần nguồn cung mới.
Nhưng nguồn cung tương lai tại Thành phố Hồ Chí Minh dự báo sẽ hạn chế. Đến năm 2025, có 5 dự án dự kiến sẽ gia nhập với khoảng 500 căn; trong đó, tới 63% sẽ nằm ở Quận 1 có 3 dự án hạng B và C. Công suất cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ tại thành phố này hiện đạt 79% với giá thuê bình quân khoảng 513.000 đồng/m2/tháng và tăng nhẹ theo quý.
Giá thuê 14 dự án hạng A và B tăng trung bình 3% theo quý do giá thuê đã được cố định hơn và chủ đầu tư đã dừng các chính sách khuyến mãi kích cầu. Trong số đó, có 9/14 dự án, chiếm 74% nguồn cung đạt công suất tương cao từ 80% trở lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, thời gian tới, nhu cầu lưu trú dài hạn từ các doanh nghiệp vẫn ổn định, nhưng tăng trưởng của căn hộ dịch vụ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với căn hộ thương mại cho thuê, nhất là tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phía Nam, đối tượng khách thuê chính của phân khúc căn hộ dịch vụ là chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương. Để tối ưu công suất, các dự án đều kết hợp linh hoạt cho thuê cả dài hạn và ngắn hạn.
Đánh giá về lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ dịch vụ, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam phân tích: Hiện tại, lợi nhuận kỳ vọng của phân khúc căn hộ cho thuê mang về từ 6-6,5%/năm cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ít nhà đầu tư đạt được mức 6,5%/năm vì sự cạnh tranh về thị trường cho thuê căn hộ ngày càng gay gắt, khách thuê căn hộ ngày càng phân hóa rõ nét./.