Thời gian thu phí cao tốc TP. HCM-Mộc Bài được rút ngắn 13 năm

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ rút ngắn được thời gian thu phí 13 năm nhờ phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Thời gian thu phí cao tốc TP. HCM-Mộc Bài được rút ngắn 13 năm ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN)

Ngày 20/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã họp, thông qua bản báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi và kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ rút ngắn được thời gian thu phí 13 năm nhờ phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài là tuyến đường kết nối vùng với hành lang kinh tế Đông-Tây với các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan và là tuyến giao thông đường bộ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia qua cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài-Ba Vét.

[Gần 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM-Mộc Bài]

Cao tốc này giúp giảm ùn ứ giao thông trên tuyến đường xuyến Á (Quốc lộ 22), tháo gỡ nút thắc về hạ tầng giao thông đã kiềm chế phát triển của tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua; tạo động lực to lớn để phát triển cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách Trung ương chưa kịp thời bố trí, hỗ trợ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương chấp thuận giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý, vận hành khai thác dự án.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận mình quản lý, để giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của nhà nước (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Công văn số 1351/TTg-CN ngày 14/10/2019).

"Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn vốn giải phóng mặt bằng thì thời gian hoàn vốn của dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ lên đến 33 năm 7 tháng, thay vì hoàn vốn trong thời gian 20 năm 6 tháng như đã tính toán hiện nay," Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết.

Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, toàn tuyến có chiều dài khoảng 50km, điểm đầu từ nút giao đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh; điểm cuối kết nối với Quốc lộ 22 (tại km53+850), cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 2km.

Chiều dài tuyến thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh là 23,7km, chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3km.

Cấp hạng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài là cấp 120 theo TCVN 5729:2012, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Tải trọng xe trên cầu HL93 theo tiêu chuẩn 22TCN272-05. Tải trọng trục xe trên đường cao tốc là 120 daN; kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng.

Dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến với tổng bề rộng 17m (bao gồm phần xe chạy, phân cách giữa, giải an toàn phía tim, giải an toàn phía lề đất, lề đất).

Giai đoạn hoàn chỉnh, đoạn từ đầu tuyến đến nút giao với ĐT 787B được xây dựng mở rộng đạt quy mô 8 làn xe, đoạn còn lại đến Quốc lộ 22 quy mô 6 làn xe. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi để thực hiện dự án là 418ha; trong đó, trên địa phận tỉnh Tây Ninh là 224ha.

Tổng mức đầu tư của dự án của giai đoạn 1 ước tính khoảng 11.119 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 5.252 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 630 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn 2.952 tỷ đồng (đoạn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh bỏ kinh phí bồi thường 1.965 tỷ đồng, đoạn thuộc Tây Ninh bỏ kinh phí bồi thường 987 tỷ đồng), lãi vay trong thời gian xây dựng là 1.108 tỷ đồng, chi phí dự phòng 1.177 tỷ đồng.

Thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 20 năm 6 tháng.Dự kiến, tháng 3/2021 hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh sẽ hoàn tất việc đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Năm 2021 tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ được khởi công, đến 2025 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục