Gần đây, trên một số trang mạng có đưa thông tin về việc ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc. Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai lệch.
Tiến sỹ Trần Huy Dụng - Phó Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương khẳng định như vậy trong cuộc họp diễn ra chiều 7/1 tại Hà Nội nhằm thông tin với báo chí về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Hội đồng chuyên môn: Không có chuyện đầu độc
Phát biểu tại cuộc họp, giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương nhấn mạnh: “Những người làm khoa học thì phải dựa vào các chứng cứ khoa học, không thể dựa vào các quan hệ cá nhân hay việc nghe lại thông tin người khác nói, người này người kia suy luận không được chính xác lắm. Chúng tôi không ngại tất cả các giả thuyết có thể có, nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận những giả thuyết nào có bằng chứng cụ thể.”
“Muốn khẳng định một ai nhiễm độc gì đó như tia xạ hay hóa chất gây nên bệnh máu ác tính phải những có dấu chứng ở tế bào máu, ở nước tiểu, ở trong các cơ. Nếu không có các dấu chứng đó thì không thể nói bệnh nhân bị nhiễm độc được. Cho đến giờ, chúng tôi thấy chưa có dấu chứng gì cho thấy nhiễm độc bất cứ ở nơi nào trong cơ thể của ông Thanh,” giáo sư Khải khẳng định.
Có rất nhiều yếu tố có thể gây bệnh rối loạn sinh tủy
Trước nhiều câu hỏi của báo chí về việc nguyên nhân gây bệnh ông Nguyễn Bá Thanh, Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phân tích, về hội chứng rối loạn sinh tủy, cho đến nay, nguyên nhân gây ra hội chứng này vì yếu tố gì thì trên thế giới vẫn chưa biết được và chưa ai tìm ra được nguyên nhân nào gây ra bệnh đó, hội chứng đó. Vì nếu chúng ta tìm ra được nguyên nhân thì đã có phương pháp để chữa được bệnh và có cách phòng bệnh.
Theo ông Khánh, cho đến giờ phút này, đối với hội chứng rối loạn sinh tủy quả thực chưa có biện pháp nào điều trị đặc hiệu. Nó không giống như một số các bệnh máu khác, hiện nay một số các bệnh về máu ác tính khác có thuốc để điều trị nhắm đích. Với hội chứng rối loạn sinh tủy chỉ có các biện pháp điều trị rối loạn chung chung bằng các thuốc, hóa chất giống như bên Mỹ đã làm và khi có đủ các điều kiện thì ghép tế bào gốc.
Ông Khánh giải thích: “Đối với trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh, vì sao lại bị mắc hội chứng rối loạn sinh tủy thì đến giờ phút này không ai có thể trả lời được là do nguyên nhân vì đâu, trên thế giới cũng vậy.”
Các chuyên gia phân tích, có rất nhiều yếu tố có thể làm cho hội chứng sinh tủy xuất hiện như: môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm mà con người tiếp xúc hàng ngày, kể cả những vật dụng mà chúng ta đang dùng hàng ngày.
Ông Khánh cũng cho hay, hiện nay, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đang điều trị cho 60 bệnh nhân bị mắc hội chứng rối loạn sinh tủy ở tất cả các thể với tất cả các cấp độ.
“Có thể nói hội chứng này là bệnh máu xuất hiện không nhiều. Hiện nay, ghép tủy cũng chỉ là một phương pháp hỗ trợ điều trị hóa chất liều cao. Đây có thể hiểu như là một đợt điều trị hóa chất.
Với trường hợp ông Thanh đã điều trị qua 3 đợt điều trị hóa chất rồi, để biết được tình trạng sẽ tiến triển như thế nào thì các giáo sư đầu ngành cũng phải chờ hồ sơ từ bên Mỹ và chúng tôi sẽ phải làm lại các xét nghiệm ở Việt Nam, kể cả việc làm lại xét nghiệm ở tủy để có kết quả chính xác nhất thực trạng về tủy hiện nay như thế nào, sau đó mới xây dựng được kế hoạch điều trị trong tương lai,” thạc sỹ Khánh cho hay.
Theo các chuyên gia, hội chứng rối loạn sinh tủy là nhóm của nhiều bệnh khác nhau và diễn biến ở từng giai đoạn khác nhau, nguyên nhân cũng khác nhau. Vì vậy phương pháp điều trị khác nhau tùy theo từng bệnh nhân.
Vì thế, hiện chưa thể nói được trường hợp của ông Thanh điều trị như thế nào, thời gian bao lâu vì mỗi bệnh nhân một khác và chỉ khi các bác sỹ và các chuyên gia đầu ngành được tiếp xúc khám và điều trị cho bệnh nhân mới có được kết quả chính xác nhất./.