Sự gia tăng kỷ lục số ca mắc COVID-19 tại Mỹ và thêm nhiều người mắc tại các nước khác trên thế giới đặt ra thách thức dài hạn đối với sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ, khiến giá dầu của Mỹ giảm hơn 3% trong tuần qua.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng Tám giảm 23 xu, hay 0,6%, xuống chốt phiên 26/6 ở mức 38,49 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi tăng 1,9% trong phiên trước.
Trong khi đó, giá dầu Brent chuẩn của toàn cầu giao cùng kỳ giảm 3 xu Mỹ (0,07%), chốt phiên ở mức 41,02 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe, sau khi tăng 1,8% trong phiên trước.
Theo Dow Jones Market Data, trong cả tuần, giá dầu WTI giảm 3,4%, trong khi giá dầu Brent giảm 2,8%.
Giá dầu đã giảm trong hai phiên 23 và 24/6. Trong phiên 24/6, giá dầu WTI giảm 2,36 USD xuống còn 38,01 USD/thùng, còn giá dầu Brent cũng giảm 2,32 USD xuống 40,31 USD/thùng.
Chốt phiên 23/6, giá dầu WTI của Mỹ giảm 9 xu, xuống 40,37 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 45 xu, xuống 42,63 USD/thùng.
Trong phiên đầu tuần, giá dầu tăng 2% khi nguồn cung “vàng đen” được thắt chặt hơn và các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được nới lỏng, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 mới đã tăng kỷ lục trên toàn cầu. Giá dầu Brent tăng 89 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 43,08 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 90 xu, lên 40,73 USD/thùng.
Theo nhà phân tích thị trường tại Oanda, Edward Moya, câu chuyện phục hồi nhu cầu dầu mỏ gặp trở ngại trong tuần này, sau khi Mỹ công bố số ca mắc COVID-19 tăng chưa từng có, cho thấy nhiều bang có thể phải sớm áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Theo một phân tích trên Thời báo Phố Wall dựa trên số liệu của Đại học Johns Hopkins, các bang tại Mỹ, trong đó có Arizona, Texas, South Carolina và Florida, có số ca mắc tăng hơn 30% trong tuần qua.
Trong khi đó, số liệu của Baker Hughes BKR cho thấy số giàn khoan dầu của Mỹ hàng tuần chỉ giảm 1 giàn khoan xuống 188. Số gian khoan hoạt động tại nước này không tăng kể từ tuần kết thúc ngày 13/3.
[Giá dầu thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên 25/6]
Một yếu tố phần nào hỗ trợ giá dầu là việc Reuters đưa tin tình hình giao thông tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ nhộn nhịp hơn, điều có thể là tích cực về tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, điều đó trái ngược với một khảo sát của Reuters đối với các nhà kinh tế, với dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hơn nhận định trước đó, một triển vọng có thể sẽ gây sức ép lên giá dầu trong tương lai.
Theo nhà kinh tế Bethany Beckett tại Capital Economics, do tăng trưởng GDP của Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi về mức trước khi bùng phát đại dịch vào cuối năm 2020, nhu cầu dầu mỏ trong nước ở nước này có thể sẽ gia tăng theo.
Dù vậy, bên ngoài Trung Quốc, tình hình là kém sáng sủa hơn nhiều. Tại Mỹ, Capital Economics dự báo sự phục hồi nhanh về nhu cầu xăng dầu cho đến nay có thể sớm dừng lại và sẽ chỉ tăng dần sau đó./.