Thông tuyến đường sắt Bắc-Nam sau vụ lật 6 toa tàu ở Thanh Hóa

Sau vụ tai nạn tàu hỏa đã va một xe ôtô tải đi qua đường sắt làm lật 6 toa tàu, đường sắt Bắc-Nam đoạn qua gian Khoa Trường-Trường Lâm tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thông tuyến vào lúc 13 giờ 45 phút.
Thông tuyến đường sắt Bắc-Nam sau vụ lật 6 toa tàu ở Thanh Hóa ảnh 1Tuyến đường sắt Bắc-Nam đã chính thức được thông tuyến sau vụ lật 6 toa tàu ở Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN)

Sau vụ tai nạn tàu hỏa đã va một xe ôtô tải đi qua đường sắt làm lật 6 toa tàu, 8 người thương vong vào rạng sáng ngày 24/5, đường sắt Bắc-Nam đoạn qua gian Khoa Trường-Trường Lâm (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã chính thức thông tuyến vào lúc 13 giờ 45 phút cùng ngày.

[Lật 6 toa tàu khách Bắc-Nam, lái tàu và phụ lái tử vong trong cabin]

Hiện, ngành đường sắt chỉ cho phép tàu chạy với vận tốc 5km/giờ và dự kiến trả tốc độ khu gian vào ngày mai (25/5).

“Với sự nỗ lực của hàng trăm cán bộ công nhân viên đường sắt cùng sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn nên tuyến đường sắt đã thông tuyến hoàn toàn,” lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.

Trước đó, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 khi đến đường ngang có gác Km234+050, khu gian Khoa Trường-Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vào rạng sáng 24/5 đã va một xe ôtô tải đi qua đường sắt làm lật 6 toa tàu, 8 người thương vong.

Hậu quả vụ tai nạn làm 2 người chết (gồm lái tàu và phụ lái tàu bị kẹt trong cabin đầu máy 927) và làm 10 người bị thương (trong đó, 3 nhân viên đường sắt, 1 lái xe ôtô tải và 6 hành khách đi tàu, hiện nay đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa).

Nguyên nhân vụ tai nạn hiện đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ.

[Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Khẩn trương khắc phục sự cố để thông tuyến]

Để đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển tải hành khách đồng thời bãi bỏ một số mác tàu.

Theo đó, ngành đường sắt thực hiện việc chuyển tải 9 chuyến tàu với 2.816 hành khách qua khu đoạn xảy ra tai nạn an toàn; đồng thời bãi bỏ 1 số tàu xuất phát ngày 24/5/2018 tại Vinh và Đồng Hới.

Cụ thể, tàu SE36 tại Vinh (Vinh-Hà Nội); hành khách được chuyển sang đi tàu SE6. Tàu QB2 tại Đồng Hới (Đồng Hới- Hà Nội), hành khách được chuyển sang đi tàu SE2.

Đối với hành khách có vé nhưng không đi tàu, được trả vé không mất lệ phí đối với các đoàn tàu xuất phát tại Hà Nội ngày 23/5 là SE1, SE19, NA1. Hành khách có vé đi từ Khoa Trường đến ga Hà Nội ngày 23 ngày 24/5 trên các đoàn tàu SE2, SE4 (xuất phát tại Sài Gòn ngày 22/5), SE20 (xuất phát tại Đà Nẵng ngày 23/5).

Ngay sau vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng này xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vừa yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa và Bộ Giao thông Vận tải khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

[Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ lật tàu ở Thanh Hóa]

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động những điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và bị thương trong vụ tai nạn.

Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, báo cáo Bộ Công an và đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ hỗ trợ (nếu cần thiết); chỉ đạo Công an địa phương có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt là hành vi phá hoại các công trình bảo vệ an toàn đường sắt để mở đường ngang trái phép qua đường sắt .

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, có biện pháp cảnh giới an toàn cho tất cả các đường ngang kể cả lối đi dân sinh. /.

Đã thông tuyến đường sắt Bắc-Nam sau vụ tai nạn nghiêm trọng. (Nguồn : VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục