Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dài khoảng gần 26Km đã chính thức được thông xe vào sáng nay (10/10) sẽ giảm khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình.
Đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại Km0 tại nút giao Hòa Lạc (giữa Đại Lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, lý trình Km17+850-Quốc lộ 21). Điểm đầu xây dựng tại Km6+680, vị trí tách đường Hoà Lạc-Làng Văn Hóa. Điểm cuối tại Km32+367 (tương ứng Km67+510-Quốc lộ 6, thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình.
[Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dự kiến thông xe ngày 10/10]
Tổng chiều dài tuyến đường 25,6Km (trong đó đoạn thuộc địa phận thành phố Hà Nội dài 6,3km, địa phận tỉnh Hòa Bình dài 19,3Km) được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80km/giờ.
Tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn chỉ còn 1 giờ so với đi trên tuyến Quốc lộ 6 hiện nay mất tới 2 giờ đồng hồ.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay trong thời gian thi công là 363,65 tỷ). Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 27 năm 6 tháng 9 ngày (từ 1/11/2018 đến 10/3/2046) và đặt một trạm thu phí tại Km17+100.
Theo tiến độ, dự án được thực hiện thi công trong 28 tháng (khởi công tháng 5/2014; dự kiến hoàn thành 31/8/2016). Tuy nhiên, đường Hòa Lạc-Hòa Bình do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài so với dự kiến và các nguyên ngân khách quan khác nên đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành đến ngày31/8/2018.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ đầu tư các trục đường 3,5 và các tuyến đường hướng tâm kết nối thủ đô, việc thông xe tuyến đường này sẽ giúp tăng cường giao lưu về kinh tế-văn hóa xã hội.
Biểu dương các huyện của thành phố đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng và sự nỗ lực thi công của nhà đầu tư, nhà thầu, ông Hùng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các huyện của thành phố Hà Nội tổ chức giao thông, bảo vệ an ninh tuyên truyền người dân chấp hành quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cho rằng thành phố cần có thêm nhiều tuyến đường kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh giao thông đi trước mở đường, giao thông là mạch máu của nền kinh tế.
“Thủ đô Hà Nội từ ngày hôm nay có tuyến đường kết nối với Tây Bắc, nhà đầu tư đến Hòa Bình hay Hà Nội để có thêm các khu công nghiệp, tạo không gian mới cho Hòa Bình thu hút kêu gọi nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân; đảm bảo quốc phòng an ninh,” Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành nơi có dự án đi qua hoàn chỉnh toàn bộ dự án theo đúng hồ sơ thiết kể để đưa vào vận hành; thành phố Hà Nội và Hòa Bình bảo vệ hành lang mốc lộ giới, công trình trong phạm vi theo đúng quy hoạch để sau này xây dựng đường cao tốc nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Trong quá trình vận hành, nhà đầu tư cần quan tâm sửa chữa tất cả các biển báo đảm bảo an toàn giao thông.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc-Hà Nội phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Bắc theo quy hoạch nhằm nâng cao mức độ phục vụ của Quốc lộ 6; tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long; giảm khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình.
Đồng thời, tuyến đường được thông xe cũng phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng thủ đô, theo quy hoạch chung phát triển theo hướng Tây Nam của Hà Nội; lan tỏa ảnh hưởng đến các đô thị vệ tinh (thành phố Hòa Bình) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng./.