Thông xe kỹ thuật cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên

Cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên có tổng chiều dài tuyến 620m, điểm đầu là đường Quang Trung, cách tim đường sắt 272m; điểm cuối nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, cách tim đường sắt 348m.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sáng 5/2, Thành ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên.

Dự án Cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ tháng 7/2023, với tổng mức đầu tư trên 158 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thái Nguyên làm chủ đầu tư; nhà thầu thi công là liên danh Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long và Công ty cổ phần BDC Group.

Cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên có tổng chiều dài tuyến 620m, điểm đầu là đường Quang Trung, cách tim đường sắt 272m; điểm cuối nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, cách tim đường sắt 348m.

Cầu gồm 6 nhịp dầm hộp thép liên hợp, bề rộng 8,5m, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, mặt cầu được thảm bêtông nhựa, vận tốc thiết kế qua cầu là 40 km/h.

Cùng với hạng mục cầu chính, công trình còn có các hạng mục khác như hè đường, bó vỉa, dải phân cách, hệ thống thoát nước mưa, điện chiếu sáng...

ttxvn_0502-cau vuot (2).jpg
Những chiếc xe đầu tiên lưu thông trên cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Nguyên, cho biết khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế xung đột giao thông tại vị trí giao cắt giữa các tuyến đường Hoàng Văn Thụ-Quang Trung-Việt Bắc và tuyến đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên; đồng thời tăng cường kết nối giao thông, tạo thêm điểm nhấn không gian đô thị của thành phố Thái Nguyên...

Cùng với việc đưa cầu vượt đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên vào sử dụng, thời gian qua, thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng đô thị trọng điểm như đường Việt Bắc, nút giao khác cốt (hầm chui) đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng... góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị loại I, trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục