Thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cao nhất lên tới 5.200 đồng mỗi km

Mức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được áp dụng từ 900 đồng/xe/km đến 5.200 đồng/xe/km tùy thuộc vào tuyến đường đã đáp ứng quy chuẩn hiện hành theo Luật Đường bộ.

Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Theo đó, đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí khi đáp ứng các điều kiện: được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; có đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Với đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí…

Hiện nay, các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư được chia thành 2 nhóm. Nhóm đáp ứng quy chuẩn hiện hành theo Luật Đường bộ (có tối thiểu 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liền mạch) và nhóm chưa đáp ứng quy chuẩn hiện hành (hầu hết các cao tốc trên trục Bắc-Nam).

Do đó, mức phí sử dụng đường cao tốc cũng sẽ được chia thành 2 mức. Người sử dụng đường cao tốc đạt chuẩn sẽ nộp theo mức 1 và sử dụng cao tốc chưa đạt chuẩn nộp theo mức 2.

111.JPG

Căn cứ mức phí quy định nêu trên, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc được xác định cụ thể tại Đề án khai thác tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Nghị định cũng quy định 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc, trong đó nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.

Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn. Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn. Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet. Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.

Nghị định cũng quy định rõ 10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc khi lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác gồm: xe cứu thương; xe chữa cháy; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân; xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường; xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường; xe của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc; xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục