Thu phí tự động không dừng: Bao giờ cho đến... tháng Mười?

Những trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay, các trạm chưa lắp đặt thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải thực hiện.
Dự án thu phí tự động không dừng vẫn chưa thể hoàn thành và đã phải nhiều lần lùi tiến độ. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Dự án thu phí tự động không dừng vẫn chưa thể hoàn thành và đã phải nhiều lần lùi tiến độ. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, hệ thống thu phí không dừng khi được triển khai trên các tuyến đường sẽ tăng cường sự minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.

Có thể nói, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng thu phí đi qua trạm sẽ được truyền về ngân hàng và dễ dàng kiểm soát.

Mặc dù “cái được” đã nhìn thấy rõ, nhưng vì nhiều lý do khiến việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh này hiện nay vẫn dậm chân tại chỗ dù Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần đưa ra “tối hậu thư” thậm chí là “dọa” dừng thu phí với các nhà đầu tư BOT chậm lắp đặt… Vì thế mà một câu hỏi đặt ra là đến khi nào thì các dự án trạm thu phí không dừng mới có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng?

Bài 1: Những “nút thắt” của sự chậm trễ

Thu phí tự động không dừng (ETC) được đánh giá có nhiều ưu điểm như tăng tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân, công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, phải nhiều lần lùi tiến độ.

Đau đầu bài toán hoàn vốn

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho biết theo kế hoạch trước đây, Chính phủ chốt thời điểm 31/12/2019 phải hoàn thành dự án. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng và sau đó chốt thời điểm những trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay, các trạm chưa lắp đặt thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải thực hiện.

Đến thời điểm 31/12/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành giai đoạn 1, cụ thể là 40 trạm. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai vì dự án án của VEC vay vốn ODA, hiện Hiệp định vay vốn đã kết thúc và VEC đã chuyển về Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước nên việc triển khai cũng khó khăn hơn.

Giai đoạn 2 của dự án có 33 trạm và Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel được chọn làm đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Theo kế hoạch, sau khi Thủ tướng điều chỉnh Quyết định 18, liên danh nhà đầu tư giai đoạn 2 sẽ thành lập được doanh nghiệp dự án để sắp tới ký hợp đồng triển khai các trạm này. Hiện công tác khảo sát, thiết kế 33 trạm này đã được hoàn thành, khi thành lập được doanh nghiệp dự án dự kiến trong tháng Sáu này sẽ tổ chức thi công ngay.

[Cuối 2020 các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng]

Thừa nhận dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ ra nguyên nhân chính là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm; nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án.

“Những vướng mắc liên quan đến việc đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (hợp đồng dịch vụ) hay số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao (khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC) cũng làm tiến độ thu phí ETC vẫn dậm chân tại chỗ,” Bộ trưởng Thể đánh giá.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, dự án thu phí không dừng có doanh thu hoàn vốn không như dự kiến. Hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng ETC nên cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả nhà đầu tư BOT, song tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu chậm; việc chậm trễ dự án ngoài các nguyên nhân trên còn do hành lang pháp lý điều chỉnh việc triển khai ETC chưa hoàn chỉnh dẫn đến các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Khẳng định những lợi ích mà thu phí ETC mang lại cho chủ xe và Nhà nước, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC cho biết theo tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Đến nay, dù VETC đã cơ bản lắp đặt xong thiết bị tại 40 trạm, nhưng mới có 17/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng dịch vụ. Lợi ích là vậy nhưng ngay tại những trạm đã ký, tỷ lệ chủ phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện. Trong sô đó, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt khoảng 30%. Thực tế, VETC thua lỗ nặng với tổng cộng 300 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động,” ông Vinh cho biết.

Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ

Một loạt câu hỏi cũng đặt ra khi nhà đầu tư đưa ra mức phí trích lại cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động quá cao (khoảng 5-7% trên tổng số thu tại mỗi trạm thu phí). Tại sao Nhà nước không làm mô hình khung mẫu thu phí tự động không dừng để nhà đầu tư lắp đặt theo và chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý? Tài khoản tiền của chủ xe ai sẽ là người bảo quản? Hàng triệu khách hàng nộp tiền vào nhỡ tài khoản không may bị đột nhập, Công ty thu phí tự động không dừng (VETC) lúc đó có đền được không, hay thậm chí có thể dẫn đến phá sản?...

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), hiện các dự án BOT giao thông đều do các ngân hàng khác nhau cung cấp vốn. Tuy nhiên, khi triển khai thu phí tự động, cơ quan quản lý lại tạo cơ chế hướng đến việc để dòng tiền thu phí tự động không dừng chỉ chảy vào một ngân hàng như thế là tạo độc quyền.

“Việc thu phí thủ công đơn vị thu phí được trích lại 6% doanh thu qua trạm để hoạt động. Song nếu đưa ra đấu thầu cạnh tranh, phí phải trả cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động có thể thấp hơn mức đang áp dụng và giảm dần, không chỉ 1 mức phí áp dụng mãi mãi như VETC đang được trích (5%),” lãnh đạo VIDIFI thắc mắc.

Thu phí tự động không dừng: Bao giờ cho đến... tháng Mười? ảnh 1Nhà đầu tư BOT này nhìn nhà đầu tư khác để làm, khiến triển khai thu phí tự động gặp khó khăn. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Theo một số nhà đầu tư BOT, vì lý do công nghệ, nhà đầu tư BOT không thể lắp thêm hệ thống giám sát số lượng xe qua lại trạm thu phí và giám sát đơn vị thu phí tự động. Điều này khiến một số nhà đầu tư BOT cảm thấy chưa đủ sự tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động. Nhà đầu tư BOT này nhìn nhà đầu tư khác để làm, khiến triển khai thu phí tự động gặp khó khăn.

[Thu phí tự động không dừng: Liệu có còn ''tối hậu thư'' kế tiếp?]

Trả lời việc này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty thu phí tự động VETC giải thích, lãi suất của doanh thu thu phí là của nhà đầu tư, VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ.

“Nếu chuyển tiền nhiều lần trong ngày thì chi phí để tính toán và chuyển tiền sẽ quá lớn nên trong quá trình đàm phán, VETC và các nhà đầu tư BOT đã thống nhất chốt doanh thu và chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT một lần/ngày,” ông Vinh thông tin.

Liên quan đến việc giải quyết bất cập giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thu phí không dừng làm sao cho hài hòa, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư cho rằng trước đây, Bộ Giao thông Vận tải không đồng ý cho nhà đầu tư BOT tự lắp đặt thiết bị tại trạm, tự quản lý và kết nối với đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về thu phí không dừng sửa đổi lần này, Bộ đã đề xuất cho phép điều này và sẽ đảm bảo minh bạch do số liệu thu phí vẫn truyền về đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, Tổng cục Đường bộ vẫn giám sát được số liệu.

Liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền, nguyên tắc chuyển tiền giữa VETC và nhà đầu tư ra sao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất cuối cùng, mục tiêu là phải hoàn thành được thu phí không dừng đúng thời hạn Thủ tướng giao nhưng cũng tạo thuận lợi nhất cho tất cả các chủ thể, từ nhà đầu tư, ngân hàng, người dân.

Dẫn chứng trực tiếp thị sát và trải nghiệm hệ thống thu phí không dừng tại Quảng Bình rất tiện ích, ông Thọ nói: "Nhà nước, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ tốt như thế, chẳng cớ gì mà người dân không sử dụng. Cũng như chuyện mua hàng online đang ngày càng phổ biến hơn. Cứ thuận tiện, có lợi cho các bên thì người dân sẽ sử dụng"./.

Bài 2: Thu phí tự động không dừng: Lợi thì đã rõ, sao dân không “mặn mà”?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục