Với việc Chính phủ đồng ý cho Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đại diện các cơ quan Nhà nước và chuyên gia cho rằng, đây là biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc giao thông, không phải lấy thu phí để tăng thu ngân sách mà là để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu chung.
Khoanh vùng, nghiên cứu mức thu phí
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tại Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”, Hà Nội dự kiến sẽ không thu phí phương tiện xe máy, bởi trong Nghị quyết 04 có nói đến việc khoanh vùng để hạn chế xe máy, tới năm 2030 sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào...
“Thu phí đối với xe ôtô trong đó phân ra đối tượng có phạm vi mức độ khí thải gây ô nhiễm, phạm vi thu phí ở khu vực nào; Tổ chức thu phí phải phân vùng; Tổ chức giao thông để đảm bảo cho người không muốn trả phí vẫn có lối đi hay là kết nối giao thông phục vụ thu phí đảm bảo sự đi lại cho nhân dân bình thường không những cho khu vực nội đô mà còn kết nối với các tỉnh, thành lân cận,” ông Viện cho hay.
[Hạn chế xe cá nhân, thu phí giờ cao điểm vào nội đô để giảm ùn tắc]
Thừa nhận biện pháp thu phí phương tiện vào nội đô cũng đang được các thành phố lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và đạt được nhiều hiệu quả, ông Viện cho rằng, Hà Nội sẽ nghiên cứu cho phù hợp mức thu phí và tiền phí thu được sẽ để hiện thực hóa kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời đánh giá tác động tổ chức thu phí đến cuộc sống nhân dân Thủ đô và khu vực.
“Mục tiêu đề án thu phí phương tiện vào nội đô không phải tăng thu ngân sách mà là biện pháp để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý nhất, vừa đảm bảo nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của thành phố,” ông Viện nói.
Bổ sung thêm, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Viện Chiến lược cũng đang nghiên cứu phạm vi thu từ vành đai nào vào để mang tính khả thi nhất, đồng thời bố trí trạm thu phí cho phù hợp với yếu tố giao thông của từng tuyến đường, tạo thuận lợi cho người dân nhất, tránh ùn tắc.
“Mục đích của việc thu phí nhằm để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, mật độ xe ôtô con đi vào nội đô sẽ giảm để tránh ùn tắc, không phải ‘liều thuốc thánh’ để giảm ùn tắc ngay. Triển khai thu phí vào nội đô chắc chắn sẽ hiệu quả, đây cũng là khuyến nghị để người dân lựa chọn phương tiện cho phù hợp, ý thức người dân sẽ được nâng lên,” ông Mười khẳng định.
Cách thu phí sẽ ra sao?
Đề cập đến công nghệ để nhận biết xe trong diện thu phí, đại diện các cơ quan chức năng trên đều đưa ra cách thức triển khai sẽ xây dựng phương án áp dụng công nghệ thu phí tự động mới nhất vì trong đô thị nếu không làm thế sẽ gây ùn tắc.
Để triển khai, phương tiện đặc biệt là ôtô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.
[Người Hà Nội phải bỏ ra 58 phút mỗi ngày để vượt qua tắc đường]
Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô, vì vậy, để triển khai nhiệm vụ trên, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ và mới đây, Chính phủ vừa đồng ý cho bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật Phí và lệ phí.
Theo một số chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện chủ yếu diễn ra vào giờ cao điểm nên việc thu phí chỉ nên diễn ra vào giờ này, còn vào các khung giờ thấp điểm, thậm chí ban đêm, sáng sớm cần có chính sách phù hợp để đảm bảo cho người dân đi lại.
“Việc thu phí cũng cần cân nhắc xem những người ở trong nội đô có thu không, hay chỉ thu những người ngoại tỉnh về nội đô? Nếu Hà Nội thu phí phương tiện vào khu vực ùn tắc, nên thu cả xe máy. Vì hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện gây ùn tắc mỗi ngày,” một chuyên giao giao thông bày tỏ chính kiến.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra giải pháp có thể làm ngay để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội đó là trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Giải thích rõ hơn, ông cho rằng, nếu mỗi vỉa hè có 2m-2,5m cho người đi bộ sẽ giảm được số xe đỗ ở đó, phải đi tìm chỗ khác đỗ, chi phí đắt hơn hay là đi xe buýt và như vậy là khuyến khích vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
“Các quốc gia đang phát triển vừa phải đi hai chân, phát triển vận tải công cộng và quản lý sử dụng xe cơ giới cá nhân. Đừng mơ đến một đô thị mà đi đến đâu cũng có thể dùng ôtô, hay 80% người dân dùng vận tải công cộng,” ông Hùng gợi ý.
Đại diện các cơ quan Nhà nước và các chuyên gia giao thông nhìn nhận, giải pháp căn cơ và đồng bộ đó là Hà Nội phải di dời bệnh viện, trường học, chung cư cao tầng ra khỏi nội đô kết hợp với xây dựng các đô thị vệ tinh; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng, tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông…/.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô, tốc độ tăng trưởng của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,3 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,7 lần).
Dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu.
Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận ải), ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD (khoảng 23.300-27.900 tỷ đồng) mỗi năm, trong khi không khí ô nhiễm gấp 5 lần.