Thời gian qua, hàng loạt phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã viết đơn xin nghỉ ốm khiến hoạt động bay của hãng bị xáo trộn. Nguyên nhân được đưa ra là do mức lương thấp nên có thể các phi công muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác.
Ngày 14/1, phóng viên báo VietnamPlus đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân để lý giải về những khúc mắc trong chế độ tiền lương của hãng hàng không Vietnam Airlines.
-Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã xin nghỉ ốm gây ảnh hưởng đến hoạt động của hãng do mức lương thấp, là đại diện đơn vị tham mưu, giám sát việc chi trả tiền lương ở Vietnam Airlines, xin ông cho biết nhận định về hiện tượng này?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Từ khi chuyển phi công quân sự sang lái máy bay dân sự, đào tạo lái máy bay mới, chuyển loại máy bay… cho đến giờ thì Vietnam Airlines đã thực hiện được chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Thực tế, không phải đến bây giờ mới xảy ra chuyện về tiền lương của phi công. Cũng có thời gian phi công của Vietnam Airlines bỏ đi làm việc ở nước ngoài nhưng chính sách của công ty đã thay đổi để giữ chân người lao động.
Nghề phi công là lao động đặc thù, chi phí đào tạo lớn và khắt khe. Do đó, Vietnam Airlines mất rất nhiều công sức tạo ra một đội ngũ phi công hiện nay. Bản thân doanh nghiệp cũng nhân thức được đây là lực lượng lao động chủ chốt thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp, quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho phi công.
Trong những lần thẩm định đơn giá tiền lương của Vietnam Airlines, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tạo cơ chế tiền lương ngoài cơ chế tiền lương chung có cơ chế tiền lương đặc thù cho lao động kỹ thuật trong hàng không.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Vietnam Airlines đã hướng tới lộ trình cải cách dần tiền lương phi công hướng đến tiếp cận thị trường. Nếu trước đây tiền lương của phi công chỉ bằng 40% lương phi công nước ngoài và hiện nay đã lên tới 60, 70%. Theo lộ trình, năm 2015 mức lương sẽ tiếp cận hơn 90% so với phi công nước ngoài.
Vietnam Airlines đang sử dụng phi công người nước ngoài nên phi công người Việt có sự so sánh. Bản thân Vietnam Airlines cũng không phải chờ đến hơn 100 người xin nghỉ ốm mới bắt đầu cải cách tiền lương tiếp cận thị trường mà quá trình này đã bắt đầu từ năm 2008 và sẽ kết thúc trong năm 2015. Ngoài ra, Vietnam Airlines đang tiếp tục xây dựng các chế độ phúc lợi khác như mua bảo hiểm cho các phi công, chế độ giờ làm việc, chuyển chuyến ra nước ngoài….
-Có ý kiến cho rằng hiện tượng nghỉ ốm hàng loạt này là lãn công tập thể, ông nhận định thế nào về hiện tượng này?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Người lao động chỉ xin nghỉ ốm nên không thể đánh giá là lãn công. Chúng ta phải xem lại tất cả các hiện tượng đầy đủ chứ chưa thể khẳng định hiện tượng này là lãn công.
Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đang làm việc cụ thể với Vietnam Airlines để giải quyết vấn đề vì đây là việc ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hãng.
Trong Bộ Luật Lao động đã quy định một số ngành nghề không được đình công, trong đó có ngành hàng không. Cách giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công cũng đã được quy định.
- Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa chấp nhận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines, theo ông thì đây có phải giải pháp lâu dài cho vấn đề của Vietnam Airlines?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tôi cho rằng giải pháp hiện nay chỉ là giải pháp hành chính tạm thời còn về lâu dài vẫn phải đảm bảo được chế độ đãi ngộ.
Hiện nay tạm thời Bộ Giao thông Vận tài chưa cấp giấy phép vì trong quá trình cấp phép mới sẽ phải tính đến chi phí đào tạo theo hợp đồng đào tạo của phi công với hãng. Đối với người lao động tự bỏ ra chi phí đào tạo thì họ di chuyển dễ, còn đối với trường hợp ký hợp đồng đào tạo với hãng thì trong hợp đồng sẽ phân định rõ nghĩa vụ của các bên.
Còn về thị trường lao động, quy định của Bộ Luật Lao động hiện nay quy định rất rõ việc tôn trọng quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động.
- Sự việc này của Vietnam Airlines có phải bài học của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chế độ “giữ chân” lao động kỹ thuật cao không, thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Đây là trường hợp thể hiện rõ sự dịch chuyển lao động trong nền kinh tế thị trường, nơi nào có chế độ đãi ngộ tốt, văn hóa phù hợp sẽ giữ được lao động chất lượng cao, nơi nào xây dựng chế độ không tốt người lao động sẽ dịch chuyển.
Giá lao động trong ngành hàng không cũng luôn thay đổi, tùy thuộc vào quan hệ cung cầu. Cung lớn hơn cầu thì giá giảm mà cầu lớn hơn cung thì giá tăng. Thời kỳ hàng không suy thoái lương phi công vừa phải nhưng thời gian gần đây ngành hàng không phát triển, hãng hàng không nhiều hơn, máy bay nhiều hơn nên điều đó đẩy lương phi công cao hơn.
Vì vậy, Vietnam Airlines phải tập trung xây dựng được văn hóa của hãng hàng không quốc gia, chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tất nhiên không thể tránh khỏi sự cạnh tranh từ các hãng khác, nhưng con đường Vietnam Airlines đang làm, đã làm và sẽ làm sẽ giữ được lực lượng phi công.
-Xin cảm ơn ông!
Nghị định số 41/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật Lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công
Theo đó, đơn vị sử dụng lao động không được đình công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm:
a) Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas;
c) Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;
d) Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước;
đ) Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.
Nghị định 41 cũng quy định việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công thông qua thương lượng, hòa giải, nghiên cứu thực hiện yêu cầu của tập thể./.