Thứ trưởng Bộ TN-MT: Sẽ thể chế hóa Luật Đất đai từ nội dung đã ‘chín’

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên cơ tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những nội dung đã “chín,” cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn để... thể chế hóa.
Thứ trưởng Bộ TN-MT: Sẽ thể chế hóa Luật Đất đai từ nội dung đã ‘chín’ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. (Nguồn ảnh: Khương Trung)

Sau hơn 3 tháng lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan soạn thảo đã trình Chính phủ cho ý kiến về dự án luật được hoàn thiện theo góp ý của nhân dân cả nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, cho biết trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, những nội dung đã “chín,” đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, có đánh giá tác động phù hợp, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn để làm cơ sở thể chế hóa cũng như quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện cơ quan soạn thảo đã quy định rõ nhiều nội dung quan trọng như: quy định về các trường hợp thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài chính đất đai.

Hơn 12,1 triệu góp ý về chính sách đất đai

- Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc từ ngày 15/3/2023. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn lấy ý kiến đến khi Quốc hội thông qua luật. Thứ trưởng có thể thông tin qua về kết quả lấy ý kiến này?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Đến nay, đã có trên 12,1 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các cơ quan tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong số đó, riêng cơ quan soạn thảo nhận được 7.979 lượt ý kiến trên website lấy ý kiến nhân dân.

“Kênh” nhận nhiều lượt ý kiến góp ý nhất là các tổ chức chính trị-xã hội, với tổng số 10.779.147 lượt ý kiến (trong đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được 8.363.162 lượt ý kiến; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận được 2.348.965 lượt ý kiến); báo cáo của 63 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp được 1.305.256 lượt ý kiến.

Ngoài ra, có 10.393 lượt ý kiến theo 31 báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 2.509 lượt ý kiến từ các viện nghiên cứu, trường đại học…

Các ý kiến góp ý tập trung nhiều vào các nội dung chính như: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể nói, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng.

- Trong quá trình làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng cũng như hiệu quả của đợt góp ý này?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Trong thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã có những góp ý chất lượng, bao quát các nội dung chính sách đã đề cập trong dự thảo luật như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, chế độ sử dụng các loại đất…

Các địa phương cũng tập trung góp ý về các quy định về quản lý, sử dụng đất đai như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai,… nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ trưởng Bộ TN-MT: Sẽ thể chế hóa Luật Đất đai từ nội dung đã ‘chín’ ảnh 2Nhiều ý kiến góp ý khác nhau chủ yếu về quy định thu hồi đất. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt, các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thể hiện sự tâm huyết, chuyên sâu và trách nhiệm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân đối với dự thảo luật.

Đã làm rõ nhiều ý kiến phản biện

- Với con số góp ý lên đến hơn 12,1 triệu lượt ý kiến nêu trên, cơ quan soạn thảo đang tiếp thu và có những thay đổi, điều chỉnh thế nào trước khi trình Quốc hội, cũng như để đáp ứng mong mỏi của người dân?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Ngay  khi nhận được các ý kiến góp ý gửi về, cơ quan soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ngay, mà không chờ đến khi tổng hợp hết các ý kiến.

Trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến, cơ quan soạn thảo phải căn cứ vào Hiến pháp; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

[Quy định quỹ đất làm nhà ở xã hội còn ‘mờ nhạt,’ Bộ TN-MT nói gì?]

Theo đó, những nội dung đã “chín,” đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, có đánh giá tác động phù hợp, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn để làm cơ sở thể chế hóa cũng như quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng rà soát các quy định của dự thảo luật này và các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở đó, ngày 10/4/2023, cơ quan soạn thảo đã trình Chính phủ cho ý kiến về dự án luật được hoàn thiện theo ý kiến góp ý của nhân dân. So với dự thảo luật xin ý kiến nhân dân, dự thảo luật trình Chính phủ có 16 chương, 246 điều (tăng 3 mục, 10 điều; bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều).

Một số nội dung lớn đã được tiếp thu như: quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; thỏa thuận về quyền sử dụng đất để đảm bảo ưu tiên cho việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước; nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. 

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, sửa đổi các quy định về quyền và nhĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai; quy định các điều khoản chuyển tiếp…

- Ngoài các ý kiến đồng thuận, đến nay, đâu là vấn đề nhận được nhiều ý kiến phản biện nhất đối với dự thảo luật, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Theo kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân trên cả nước, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau nhất là quy định về “thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.”

Trong số đó, một số ý kiến tán thành với dự thảo luật về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên cũng có ý kiến lại đề nghị nhà nước cần mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân; có ý kiến đề nghị quy định rõ tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...

Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng, sửa đổi toàn bộ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng: quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, xác định tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất.

Đặc biệt, việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thứ trưởng Bộ TN-MT: Sẽ thể chế hóa Luật Đất đai từ nội dung đã ‘chín’ ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Cơ quan soạn thảo cũng làm rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định mở rộng cho các trường hợp thỏa thuận về quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của các chủ thể sử dụng đất trong các trường hợp Nhà nước không thực hiện thu hồi đất...

Thống nhất về giá đất, tài chính đất đai

- Về nội dung giá đất, tài chính đất đai, được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, hai bộ đã thống nhất các quy định về tài chính, giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Trong quá trình làm việc, ý kiến của Bộ Tài chính tập trung vào các nội dung liên quan đến các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; hình thức cho thuê đất trả thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; các trường hợp miễn/giảm tiền sử dụng đất, thuê đất.

Cùng với đó là các ý kiến về việc sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập; tỷ lệ trích cho quỹ phát triển đất từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể…

Trên cơ sở phân tích, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo luật với các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, quy định việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp đất đai được giao, cho thuê cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập - thì ngoài việc quản lý, sử dụng áp dụng theo quy định của luật này, còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ hai là sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp đăng ký biến động đối với việc bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công giữa các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ ba là sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp; các phương pháp định giá đất.

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, quy hoạch chi tiết.

Cơ quan soạn thảo cũng thống nhất điều chỉnh quy định của dự thảo luật theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về bảng giá đất và các trường hợp áp dụng bảng giá đất.

Theo đó, bảng giá đất được áp dụng trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân và chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng…

Đối với giá đất cụ thể sẽ áp dụng trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất../.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.