Thủ tướng: Cần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện trong năm nay

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm qua công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thủ tướng: Cần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện trong năm nay ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm qua công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn tình trạng bệnh nhân xếp hàng rồng rắn lê thê chờ đợi nộp tiền khám bệnh. Văn minh bệnh viện ít được thực hiện.

Đây là vấn đề mà ngành y tế cần khắc phục và đổi mới trong năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017, diễn ra chiều 12/1, với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc, Thủ tướng đã chỉ ra 13 thành tựu, 9 hạn chế, 12 câu hỏi việc làm được, cùng những tồn tại của ngành y tế trong năm qua.

Thủ tướng chỉ rõ, năm qua ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu như đã làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện giảm tải bệnh viện, nhiều cơ sở y tế mới đi vào hoạt động; số vụ ngộ độc thực phẩm lớn giảm hẳn so với những năm trước đây.

Thủ tướng biểu dương trình độ chuyên môn của nhiều y, bác sỹ tiếp tục được nâng lên. Đội ngũ bác sỹ với tay nghề cao, mang tầm quốc tế, có nhiều bác sỹ nước ngoài đến để học tập. Đặc biệt là việc chỉ đạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới. Nhiều tấm gương bác sỹ tận tâm chữa bệnh cho người nghèo; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của Việt Nam đạt 81%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, năm qua ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại không nhỏ.

Đó là tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chưa được khắc phục cơ bản. Đây vẫn là vấn đề cơ bản tạo nên sự bức xúc hiện nay đối với người dân. Chẳng hạn như Bệnh viện K và một số bệnh viện tuyến Trung ương còn tình trạng một giường 2-3 người nhằm ghép.

Đặc biệt, trong ngành y vẫn còn để ra nhiều sự cố đáng tiếc mà gần đây nhất là vụ bác sỹ mổ quên kéo trong bụng bệnh nhân. Đây là những vấn đề cấm kỵ trong ngành y.

"Bên cạnh đó, vấn đề quản trị bệnh viện còn nhiều bất cập, không đáng có như vấn đề độc quyền bệnh viện, cung cấp hậu cần bệnh viện, xe cứu thương, ăn uống. Công tác quản lý dược phẩm và trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, vẫn có lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế không công minh, minh bạch làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân. Giá thuốc vẫn còn nhiều bất cập," Thủ tướng chỉ rõ.

Về thái độ của nhân viên y tế trong công tác chăm sóc người bệnh, Thủ tướng ​nhấn mạnh: "Vẫn còn hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế trong ngành y. Đây là những hành vi làm tổn hại nghiêm trọng đến y đức."

Thủ tướng: Cần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện trong năm nay ảnh 2Người dân chờ đợi khám, chữa bệnh ở một bệnh viện. (Nguồn: TTXVN)

Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần tập trung khắc phục, đổi mới mạnh mẽ cách làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lấy trọng tâm là y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho người dân; đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng như thủ tục, xếp hàng lấy số, giảm thời gian, nâng cao chất lượng điều trị và đặc biệt là nhân viên y tế cần thay đổi thái độ trong công tác chăm sóc người bệnh từ thái độ ban ơn sang phục vụ, coi người bệnh như người thân.

Để nâng cao chất lượng bệnh viện, Thủ tướng chỉ rõ ngành y tế cần công khai đánh giá chất lượng bệnh viện cho người dân lựa chọn khám; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối và chuyển tư duy bao cấp sang kinh tế thị trường.../.

Tại hội nghị, Thủ tướng đặt ra 12 câu hỏi với ngành y cần trả lời trong năm tới

Đó là những vấn đề như: tại sao người giàu lại ra nước ngoài chữa bệnh đông như vậy? Ngành y tế phải nêu giải pháp. Ngành y tế phải tìm phương pháp để giải quyết vấn đề mất ngoại tệ lớn này của đất nước.

Nhiều bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư nhưng người dân vẫn vượt tuyến, nguyên nhân vì sao, giải pháp nào? Làm sao để người dân thấy khám tuyến dưới hiệu quả hơn, dù tôn trọng quyền tự quyết?

Hiện tại hệ thống trạm y tế đã phủ khắp nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Bộ Y tế có giải pháp gì để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại những nơi này? Giờ trạm xá vắng hoe, người dân bỏ qua không khám mà lên hẳn Trung ương. Làm sao để mười mấy nghìn trạm y tế này hoạt động có hiệu quả, cơ chế nào?
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục