Thủ tướng chỉ đạo bám sát tinh thần 'sống chung với dịch'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải bám sát tinh thần “sống chung với dịch,” triển khai những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất đồng thời có thái độ văn hóa ứng xử trong tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo bám sát tinh thần 'sống chung với dịch' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, bộ, ngành theo hình thức trực tuyến về các giải pháp phòng chống COVID-19.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu kết quả điều tra xã hội học mới đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy 97% số người dân được hỏi bày tỏ đồng tình, ủng hộ chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã thực hiện thời gian vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát một bước, giúp xã hội có niềm tin với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

[Bộ Y tế: Vẫn có nguy cơ bùng phát những đợt dịch COVID-19 mới]

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguy cơ xuất hiện dịch trong cộng đồng là thường trực vì vẫn còn mầm bệnh. Bên cạnh đó còn có nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép và hợp pháp vào nước ta, hoặc từ chính các khu cách ly tập trung.

Với khoảng 60% số ca bệnh không có triệu chứng nên dịch vẫn có khả năng lây lan và bùng phát nếu chủ quan, lơ là, đặc biệt là các cơ quan, công sở, xí nghiệp.

Bộ Y tế cũng lưu ý thời gian tới với thời tiết mùa Đông, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Đây là vấn đề các địa phương, bộ, ngành cần hết sức cảnh giác, quyết liệt áp dụng các biện pháp chống dịch trong trạng thái bình thường mới, chuẩn bị các phương án ứng phó đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.

Thủ tướng chỉ đạo bám sát tinh thần 'sống chung với dịch' ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ, không chủ quan, nhiều chủ trương phù hợp đã được ban hành và thực thi kịp thời như yêu cầu đeo khẩu trang, cách ly, xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép...

Nhờ đó, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Chính quyền và nhân dân trong vùng có dịch đã bình tĩnh, kịp thời xử lý với hiệu quả cao nhất. Mục tiêu kép bước đầu được thực hiện tốt như đầu tư công, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp...

Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả triển khai tốt nhiệm vụ khoanh vùng quyết liệt các ổ dịch tại 15 địa phương có trường hợp dương tính xuất hiện như Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Nam... với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn còn hiện tượng lây lan trong cộng đồng mà mới đây nhất là tại Hà Nam. Do đó, một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành và đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường.

Thủ tướng chỉ đạo phải bám sát tinh thần “sống chung với dịch,” triển khai những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất; đi liền với đó là có thái độ văn hóa ứng xử trong tình hình dịch bệnh.

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu khoanh vùng, xử lý nhanh, không để lây lan trên diện rộng đối với các trường hợp được phát hiện. Đây cũng là kinh nghiệm quan trọng, kịp thời cho ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là các chợ, các điểm tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu thực hiện nghiêm trong trạng thái bình thường mới đó là đeo khẩu trang nơi đông người, trên phương tiện công cộng; không tập trung quá đông người nếu không cần thiết; tiếp tục quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt, “khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh” nhằm đảm bảo mục tiêu kép phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng chỉ rõ nếu không thực hiện tốt việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm thì sẽ đẫn đến hậu quả rất đáng lo là thu nhập người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp cao, gây bất ổn xã hội.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương phải ban hành và hoàn thiện các chế tài xử lý các vi phạm trong thời gian dịch bệnh mặt khác phải có biện pháp cụ thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Bởi thời gian qua, có 1 số địa phương có xu hướng “hơi quá tay” trong phòng, chống dịch; nghiêm cấm cả dịch vụ cần thiết như nhà hàng ăn uống, nhà máy, cơ sở sản xuất và chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến tham gia quản lý, điều hành.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, nhất là tỉnh có biên giới cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, kiểm soát chặt, không được để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng vào Việt Nam.

Bộ Công an xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về nhập cảnh trái phép.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn an toàn y tế tại nơi công cộng, nơi làm việc, trường học với nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu để người dân chấp hành. Làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế.

Tổ chức phân luồng, phân tuyến ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân; tăng cường kiểm soát, xác định sớm các trường hợp lây nhiễm trong bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhất là các biểu hiện ho, sốt...

Tăng tốc nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Tăng cường hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia có kết quả nghiên cứu vắc xin ban đầu. Đầu tư củng cố, nghiên cứu dịch tễ học; giải mã gien; lưu ý những ca tái nhiễm, dương tính trở lại.

Thủ tướng cũng đề nghị truyền thông mạnh mẽ, đúng mức để người dân luôn đề phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang; tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone đề phòng ngừa.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát chặt chẽ, đẩy nhanh việc cấp thị thực cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hướng nhanh, thuận lợi, gọn nhẹ.

Đặc biệt cấp thị thực phải nhanh hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, tránh tình trạnh nhiêu khê. Bộ Y tế cần sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể các nhà đầu tư, chuyên gia vào Việt Nam làm việc ngắn ngày.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, các hãng hàng không và Ban Chỉ đạo xem xét, đề xuất Thủ tướng các đường bay thương mại tới 1 số quốc gia có hệ số an toàn cao; phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển với tinh thần "sống chung với dịch bệnh."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý cụ thể, linh hoạt trên địa bàn về những vấn đề liên quan, nhất là các địa phương có những ca nhiễm COVID-19 mới đây. Cùng với đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp xây dựng phương án thu phí điều trị COVID-19, trình Thủ tướng xem xét quyết định, không để kéo dài; mở rộng việc thu phí tự nguyện trong thời gian này.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì việc tổ chức đưa người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về Việt Nam và đưa chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam với phương án phù hợp, linh hoạt.

Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý, giám sát chặt chẽ cơ sở cách ly; đảm bảo trật tự trong việc tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để đảm bảo tình trạng bình thường mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia cần quán triệt mục tiêu kép của Chính phủ trong điều hành, không để tình trạng dịch bệnh lây lan, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp tràn lan.

Thủ tướng cũng đề nghị kéo dài gói hỗ trợ an sinh xã hội; yêu cầu Bộ Tài chính cần nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân. Các địa phương cần cố gắng vận dụng các biện pháp hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người nghèo trong thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chuẩn bị và sớm trình dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục