Ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục kiểm tra, động viên các lực lượng thi công các dự án cao tốc từ tỉnh Khánh Hòa tới tỉnh Đồng Nai thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các tỉnh có các tuyến cao tốc đang xây dựng đi qua.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã thị sát tại công trường thi công dự án Nha Trang-Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Tại điểm thi công hầm Dốc Sạn thuộc xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên, tặng quà đội ngũ cán bộ, công nhân đang làm việc xuyên Tết.
Dự án đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm được đầu tư theo hình thức PPP theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2014 của Quốc hội. Tuyến đường dài khoảng 50 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng. Dự án triển khai thực hiện từ ngày 4/9/2021, kế hoạch hoàn thành quý 3/2023.
Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 2.046,5 tỷ đồng với ngân hàng và góp 514 tỷ đồng/511 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Lũy kế giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt 16,35% tổng giá trị các hợp đồng, bám sát kế hoạch theo tổng giá trị các hợp đồng.
Giá trị sản lượng thực hiện trong tháng 1/2022 (tính đến ngày 28/1/2022) là 40 tỷ đồng, đạt 0,92% tổng giá trị các hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch tháng 1/2022.
Thủ tướng đánh giá cao nhà đầu tư đã lựa chọn hình thức PPP cho dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thời gian qua; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư, cùng với nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, địa phương triển khai công việc xuyên Tết với tinh thần tiến công.
[Thủ tướng kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông]
Cũng tại đây, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ đã giải quyết ngay 4 đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới kéo dài thời gian thu phí để bù chi phí dự án tăng, vấn đề kỹ thuật, thiết kế, thiết bị thi công. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết ngay theo quy định.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi phần việc liên quan dự án; tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động trên công trường và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, nhất người dân phải di dời, tái định cư. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhà thầu có nguyên vật liệu phục vụ triển khai dự án.
Tại dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dừng chân để kiểm tra tại công trường thi công hầm Núi nằm trên tuyến cao tốc này.
Dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo cũng là dự án PPP, theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2014 của Quốc hội. Tuyến đường có chiều dài 78,5km, tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Dự án triển khai thực hiện từ ngày 30/9/2021, kế hoạch hoàn thành quý 1/2024.
Lũy kế giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt 3,61% tổng giá trị các hợp đồng, chậm 0,21% tổng giá trị các hợp đồng so với kế hoạch; giá trị sản lượng thực hiện trong tháng 01/2022 (tính đến ngày 28/01/2022) là 135,4 tỷ đồng, đạt 1,8% tổng giá trị các hợp đồng, đáp ứng kế hoạch tháng 01/2022.
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai dự án và phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của chủ đầu tư và đơn vị thi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải quyết ngay.
Về vấn đề thưởng phạt hợp đồng, Thủ tướng yêu cầu phải công bằng. Làm tốt phải thưởng và làm chưa tốt phải phạt. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định về vấn đề này và các hướng dẫn liên quan; về bố trí giải ngân vốn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư, những nội dung chưa sát thực tế cần phải điều chỉnh lại.
Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư về việc được xây dựng trạm dừng nghỉ và trồng cây khi xây dựng tuyến đường, Thủ tướng đồng tình về chủ trương, với quan điểm ưu tiên cho nhà đầu tư.
Từ dự án này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa và đa dạng các nguồn vốn, bởi nếu áp dụng theo luật hiện nay thì dự án này đã không thực hiện được hợp tác công tư, tức là bỏ lỡ vốn của các nhà đầu tư.
Thủ tướng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác thi công đoạn Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận-Đồng Nai, tổng mức đầu tư 12.577 tỷ đồng.
Đây là dự án đầu tư công theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội. Dự án khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Hiện nay, cả 4 gói thầu đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án ngày 31/12/2022.
Tại đây, ngoài các vấn đề cần lưu ý chung với các dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan có hướng dẫn chung về chất lượng, giá cả nguyên vật liệu xây đắp cao tốc. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, chuẩn bị đề án về bán quyền khai thác tuyến đường.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án và tiết kiệm nhất có thể.
Liên quan tới vấn đề các mỏ vật liệu cho cao tốc, Thủ tướng yêu cầu trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi.
Trong chương trình công tác, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận và Khu di tích lịch sử trường Dục Thanh tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - nơi cách đây 112 năm, Bác Hồ - thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước./.