Trong 5 năm qua, bệnh dại ở Việt Nam đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
70 ca tử vong do bệnh dại trong năm 2022
Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước có một số trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.
Cụ thể, ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Phú Yên xác nhận trên địa bàn có một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Trường hợp tử vong là ông L.X.D, sinh năm 1978 ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.
Bệnh nhân này bị chó nuôi tại nhà cắn ở ngón tay (chó không tiêm vaccine phòng dại). Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chỉ sát khuẩn bằng thuốc đỏ, không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.
Ngày 9/3, bệnh nhân có triệu chứng sốt, mệt mỏi, sử dụng thuốc (không rõ loại) nhưng không thuyên giảm; sau đó được người nhà đưa đi khám và nhập viện vào ngày 11/3.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh dại. Cùng ngày, bệnh nhân được đưa về nhà và có tiếp xúc với nhiều người thân trong gia đình.
Ngày 13/3, bệnh nhân có triệu chứng chướng bụng, lơ mơ không tỉnh táo, yếu tay chân, chảy nước dãi, không ăn uống được và đến sáng 14/3 thì tử vong tại nhà.
Tại Cà Mau, ngày 19/3 vừa qua, tại ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, khi chị P.H.D (39 tuổi) đi đám cưới ngang qua nhà bà N.T.K (63 tuổi), bị con chó của bà K cắn vào cẳng chân gây rách da, chảy máu. Nghe tiếng la, bà K chạy ra xem, bị con chó của mình cắn trầy xước ở bàn tay.
Một lúc sau, anh T.N.K (29 tuổi) đi ngang qua nhà bà K cũng bị con chó này cắn vào chân. Lo sợ chó dại đi nhiều nơi sẽ cắn thêm nhiều người, người dân địa phương đã vây bắt và thông báo cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, con chó của bà K dương tính với bệnh dại. Sau đó, những người bị chó cắn đều được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.
Tại Phú Thọ, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, từ đầu tháng Ba đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại tại xã Thu Cúc và xã Mỹ Thuận.
Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.
[Cà Mau khuyến cáo người dân phòng, tránh chó dại tấn công]
Người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Các tỉnh, thành phố xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương, ưu tiên mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm; hỗ trợ mua vaccine, tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực 2, 3, vùng biên giới...
Các địa phương tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Ủy ban Nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế và thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vaccine dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn./.