Sáng 30/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức cắt băng khánh thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội.
Nhấn mạnh sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu có mặt cắt chiều rộng lớn nhất của thành phố Hà Nội bắc qua sông Hồng, Thủ tướng cho rằng việc hoàn thành cầu này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, giải quyết áp lực cho giao thông Thủ đô, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch.
“Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thi công trong điều kiện khó khăn như dịch COVID-19 kéo dài, biến động trượt giá... nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, sự ủng hộ quan tâm của cơ quan Trung ương và sự đổi mới tư duy dám nghĩ dám làm khắc phục khó khăn về địa chất thủy văn, thời tiết; nhà thầu thi công tổ chức làm việc liên tục tăng ca kíp, không kể ngày đêm. Sau gần 3 năm thi công, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thiện vượt tiến độ 4 tháng, không đội vốn. Đây là cố gắng lớn của chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội,” Thủ tướng nói.
[Hà Nội đưa phương án phân luồng Cầu Vĩnh Tuy mới sau khi thông xe]
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao; trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông chung của thành phố vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ...
Do đó, ông Tuấn nhìn nhận việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch.
“Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến. Dự án Cầu Vĩnh Tuy hoàn thành cũng chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm để thành phố Hà Nội có thể triển khai thi công các công trình cầu khác bắc qua sông Hồng trong những năm tới như Cầu Thượng Cát, Cầu Vân Phúc, Cầu Tứ Liên, Cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Hồng Hà, Cầu Mễ Sở…,” ông Tuấn khẳng định.
Để phát huy hiệu quả dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu sở giao thông vận tải cùng với công an thành phố, ban quản lý dự án tổ chức ngay việc phân làn, hướng dẫn giao thông để nhân dân đi lại thuận tiện đồng thời rà soát việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường, nút giao liên quan để xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp; đặc biệt là sớm triển khai dự án hầm chui nút giao Cổ Linh-Đàm Quang Trung./.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên-Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Mặt cắt ngang cầu là 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không là 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. |