Thủ tướng Chính phủ: ‘Làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc’

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các dự án giao thông đã được phê duyệt thì phải triển khai nhanh; tránh sai sót; bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhìn nhận nhiệm vụ năm 2023 nặng nề hơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, quyết tâm và nỗ lực hơn, làm việc nào dứt việc đó, để đạt kết quả cao hơn năm 2022.

Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 vào chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà ngành giao thông, lãnh đạo ngành giao thông đã đạt được trong năm qua trong công tác chỉ đạo, quyết liệt, điều hành chắc tay, nắm chắc vấn đề để triển khai công việc khi đã làm tốt công tác quy hoạch; triển khai các dự án trọng điểm quốc gia trong thời gian ngắn; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, giải ngân vốn đầu tư công…

Nhấn mạnh tinh thần chung của Chính phủ tới đây là tập trung cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc để phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc. Nhiệm kỳ sau sẽ tập trung cho đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập để ngành Giao thông Vận tải nhận thức và có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ: ‘Làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc’ ảnh 1Một dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoàn thành và đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành Giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội.

“Hai chính sách này phải nhất quán. Chính sách đã ban hành một vài năm trước, nay lại thay đổi, nếu thay đổi phải có chuyển tiếp. Nguồn lực xã hội rất lớn, nên cần phải kích hoạt cơ chế chính sách. BOT không có tội tình gì, chỉ có người thực hiện mới có tội. Cả thế giới người ta thực hiện,” Thủ tướng nói.

Đánh giá chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải còn chậm, theo Thủ tướng, dù thời gian qua đã phối hợp tốt với Bộ Công an trong vấn đề giấy phép lái xe song bên cạnh đó dự án sân bay Long Thành đấu thầu mãi chưa xong.

“Việc phối hợp là giúp dân đỡ thủ tục hành chính. Đừng đặt lợi ích chung lên, còn cấn cá về lợi ích cá nhân thì khó làm, cần làm cho minh bạch, trong sáng,” người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

[Bộ GTVT lý giải nguyên tắc phân chia các gói thầu cao tốc Bắc-Nam]

Đối với việc đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Bộ Giao thông vận tải phải thay đổi tư duy, mời nhà thầu quốc tế vào; phải tăng cường giám sát, nhất là trong công tác đấu thầu, giám sát thi công. Các Ban quản lý dự án cần rà soát, xem xét lại, rút kinh nghiệm, hạn chế việc bán thầu, chia nhỏ các dự án, tránh tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ: ‘Làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc’ ảnh 2Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần kiểm điểm sâu sắc, xem xét lại việc đăng kiểm ôtô khi người dân phải xếp hàng cả đêm để được kiểm định xe. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Liên quan công tác đăng kiểm, Thủ tướng Chính phủ nói: “Cứ sinh ra cơ chế là sinh ra tiêu cực. Bộ Giao thông Vận tải cần kiểm điểm sâu sắc, xem xét lại việc đăng kiểm ôtô. Giờ người dân phải xếp hàng cả đêm nên phải tổ chức lại công tác này, không để tình trạng này xảy ra nữa.”

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra lại việc đấu thầu các dự án lớn, không có đội vốn bất hợp lý, phải kiểm soát được tiến độ và chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân vi phạm; tập trung đổi mới hoạt động vận tải, tránh tiêu cực trong điều hành vận tải.

“Việc điều phối cất hạ cánh (slot) ở sân bay cũng còn tiêu cực. Tại sao chỉ ưu tiên một số hãng giờ tốt, hãng khác thì không. Cần điều hành sao cho tránh tiêu cực. Cứ xin-cho là tiêu cực. Làm sao điều hành để cho thị trường điều tiết,” Thủ tướng nói rõ.

Làm việc nào dứt việc đó

Đề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, dự báo tình hình thế giới còn khó khăn, nhiệm vụ năm 2023 nặng nề hơn cho nên Bộ Giao thông Vận tải phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, làm việc nào dứt việc đó, đạt kết quả cao hơn năm 2022.

“Bộ Giao thông Vận tải phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng 13 để đạt được mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025,” Thủ tướng nhấn mạnh.

[Bộ GTVT: Không giao dự án mới cho chủ đầu tư giải ngân chậm]

Thủ tướng yêu cầu các dự án đã được phê duyệt thì phải triển khai nhanh; phải kiểm tra lại các dự án lớn về đấu thầu, tránh sai sót; bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; động viên, cổ vũ, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt; tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo.

Thủ tướng Chính phủ: ‘Làm sao để tất cả các tỉnh đều có đường cao tốc’ ảnh 3Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Bộ Giao thông Vận tải cũng phải triển khai quyết liệt nghiên cứu xây dựng các dự án kết nối với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia; nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao 200km/giờ có thể di chuyển từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong 8 tiếng, nghiên cứu đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ trên tinh thần tìm hướng tuyến thẳng nhất, tạo không gian phát triển mới; hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án hợp tác công tư cho tốt, đặc biệt tại các dự án đang làm như: Lạng Sơn-Cao Bằng, Hoà Bình-Sơn La, Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng,” Thủ tướng nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục